Tình trạng liên tiếp gia tăng ca mắc virus Zika trong tuần qua khiến các cấp chính quyền TPHCM phải chung tay vào cuộc ngăn chặn và đẩy lùi dịch. Tính đến ngày 7-11, TPHCM đã có 30 ca mắc phải virus Zika và sơ bộ đã ghi nhận 4 thai phụ bị nhiễm virus nguy hiểm gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh này. Điều đáng nói, biểu hiện lâm sàng khi mắc phải virus Zika khá mơ hồ, không điển hình nên cần chủ động giám sát, phát hiện sớm.
Virus Zika đã lưu hành trong cộng đồng
Là một trong những địa bàn ghi nhận ca mắc virus Zika đầu tiên từ hồi tháng 3-2016, quận 2 được liệt vào danh sách có nguy cơ cao. Đến nay, quận 2 cũng đang là một trong 6 quận, huyện có ca mắc cao (3 ca).
Bác sĩ (BS) Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận 2, cho biết ngay khi phát hiện các ca mắc đều đã phối hợp với TTYTDP TP tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên y tế dự phòng cũng trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về kết quả xét nghiệm và những việc cần làm để phòng bệnh trong gia đình. Đồng thời chuyển tải thông điệp phòng bệnh do virus Zika cho người dân trong khu vực bệnh nhân sinh sống, lập danh sách và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới…
Tuy nhiên, theo BS Phước, hiện địa bàn quận 2 có rất nhiều công trình xây dựng khu dân cư, đô thị, hạ tầng giao thông… nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện phát sinh muỗi, lăng quăng… Ghi nhận của TTYTDP TP cũng cho thấy, tình trạng mất vệ sinh môi trường đang là nguy cơ chính cho việc gia tăng phát sinh các ổ lăng quăng, muỗi.
Phòng chống dịch do virus Zika bằng cách vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng
Ghi nhận tại 8 quận, huyện trọng điểm, TTYTDP TP cho biết nguy cơ cao tập trung tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Thủ Đức và vùng nguy cơ vừa tập trung tại quận Tân Phú, quận 8, Tân Bình…
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TP, đến ngày 6-11 đã có 11/24 quận, huyện có ca mắc virus Zika, trong đó các quận 9, 12, Bình Thạnh đứng “đầu bảng” đều có 4 ca mắc. Tiếp đến, quận 2, Tân Phú, huyện Hóc Môn đều có 3 ca mắc; 5 quận, huyện còn lại đều có 1 - 2 ca mắc. Dù vậy, TTYTDP TP đánh giá rằng chính quyền, người dân tại những địa bàn có ca mắc vẫn chưa nhận thức đúng về bệnh và nguy cơ lây nhiễm của bệnh nên hiện vẫn lơ là!
Đánh giá về nguy cơ dịch do virus Zika, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng nhiều khả năng dịch do virus Zika lây lan nhanh trên địa bàn TP trong thời gian tới. Điều đáng nói, theo ông Lân, số ca phát hiện được mới chỉ từ các điểm có giám sát, còn lại tại các phòng khám, bệnh viện (BV) khác và trong cộng đồng thì chưa biết được. Trong khi TPHCM có số lượng bệnh nhân lớn, chưa kể gần 40% người bệnh đến từ các tỉnh.
PGS-TS Phan Trọng Lân nhận định, virus Zika đã lưu hành trong cộng đồng tại TPHCM chứ không còn khu trú ở một địa bàn nhất định.
Giám sát thai phụ!
Một trong những quan ngại nhất của dịch do virus Zika là những biến chứng trên trẻ sơ sinh nếu không may người mẹ mắc phải virus Zika trong thời gian mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu.
Theo ghi nhận của Sở Y tế TPHCM, hiện có ít nhất 4 thai phụ cư ngụ tại TPHCM đã mắc virus Zika tính từ tháng 3-2016 đến nay, trong đó có một thai phụ bị sẩy thai khi đang ở tuần thứ 7 thai kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sản khoa, trường hợp sẩy thai này là tự nhiên và có yếu tố tâm lý chứ không phải do virus Zika.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika. “Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường giám sát, truyền thông, đặc biệt tư vấn trực tiếp đến thai phụ, tập trung ở các phòng khám sản khoa”, ông Bỉnh cho biết.
Ghi nhận vào ngày 7-11 tại một số cơ sở y tế sản khoa cũng cho thấy đã có truyền thông, tư vấn về dịch do virus Zika. Tại BV Phụ sản Mekong (quận Tân Bình), tất cả các màn hình quảng cáo điện tử đều trình chiếu các thông điệp, hình ảnh tư vấn, phòng ngừa về virus Zika. Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Tổng giám đốc BV Phụ sản Mekong, cho biết đã bố trí một bàn tư vấn riêng về bệnh dịch do virus Zika cho thai phụ đến khám, cũng như kết nối với TTYTDP TP, Sở Y tế TP, Viện Pasteur TPHCM để thông tin, hỗ trợ xét nghiệm khi có ca nghi ngờ.
Để giám sát thai phụ, Sở Y tế cũng vừa yêu cầu các BV Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương xây dựng quy trình tư vấn virus Zika cho thai phụ, cũng như chăm sóc an toàn trong trường hợp thai phụ mắc phải. Nhằm giám sát phát hiện sớm, ngoài giám sát ở 30 BV trước đó, từ ngày 1-11 vừa qua, TTYTDP TP đã triển khai thêm 16 điểm giám sát thai phụ ở 16 cơ sở y tế tư nhân.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hệ thống chẩn đoán trước sinh rất hiệu quả, nên khuyến cáo thai phụ siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.
“Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc tật đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi”, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đắc Phu, tỷ lệ các bà mẹ nhiễm virus Zika sinh con đầu nhỏ cũng có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1% - 10%.
|
Tường Lâm
Nguồn: sggp.org.vn