Được biết để có những sản phẩm như trái tim, ngôi nhà, xe tăng, khẩu pháo, công viên, khuôn viên vườn hoa cây cảnh…đòi hỏi người làm phải kiên trì, khéo léo. Từ ý tưởng được nung nấu, phát thảo thành bản vẽ rồi mới bắt tay vào “thi công”. Do phải huấn luyên, sinh hoạt, công tác, thời gian nhàn rỗi ít nên một sản phẩm hoàn chỉnh có khi các chiến sĩ trẻ phải mất cả tháng trời. Chỉ với dao rọc giấy, kéo, keo dán, các chiến sĩ mới đã vót nan, đan phên dựng nên những ngôi nhà khang trang, có cả nội thất, bàn ghế, giường tủ bên trong. Công đoạn cuối cùng là phun sơn bóng, mắc đèn và gài hoa trang trí, mỗi sản phẩm có thể do một người hoặc một nhóm ba, bốn người cùng làm.
Chúng tôi gặp tân binh Nguyễn Văn Dũng, quê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang say mê tạo hình đôi trái tim bằng tăm tre, ở giữa có hình đôi chim bồ câu được kết từ đá dăm đen và trắng, dường như em đã trút toàn bộ tâm trí vào công việc đang làm. Dũng bẽn lẽn bật mí: “Từ hồi học phổ thông em đã đam mê mỹ thuật và những sản phẩm làm bằng thủ công, vì nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt về mặt tinh thần, món quà này em đang cố gắng hoàn thiện nó để kịp tặng người yêu vào dịp sinh nhật sắp tới”.
Thượng tá Phạm Đắc Công, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 5 cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi với những việc làm vô cùng ý nghĩa của các chiến sĩ mới năm nay, có thể nói những món quà lưu niệm tặng người thân, bạn bè, người yêu không tốn về kinh tế nhưng rất sâu sắc về mặt tình cảm. Quá trình làm cũng giúp rèn luyện cho các chiến sĩ trẻ tính cụ thể, tỉ mỉ, phát huy khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, đam mê của mỗi người. Do vậy, trong thời gian tới chúng tôi luôn khuyến khích, mong muốn các đơn vị trong toàn Sư đoàn tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động này, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần ở đơn vị, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân”.