(QK7 Online) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, là người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua ái quốc, tạo nên nguồn lực to lớn cho những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đã 76 năm trôi qua, Lời kêu gọi của Bác vẫn còn nguyên giá trị, luôn soi đường cho phong trào thi đua yêu nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai phong trào thi đua ái quốc cũng gặp không ít trở lực, khó khăn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra đó là “bệnh” thành tích mà Người gọi là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”. Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải “căn bệnh” này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…
Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn một số hạn chế, nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng. Việc tuyên truyền, tổ chức, học tập và áp dụng mô hình mới ít được quan tâm. Một số đơn vị phong trào thi đua còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả đích thực. Công tác khen thưởng chưa bám sát kết quả thi đua, vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, thiếu công bằng, thiếu tính hấp dẫn, chưa động viên, khích lệ được đông đảo quần chúng tham gia.
Thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh khen thưởng. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thực hiện đồng bộ ở bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Học tập lời dạy của Người về thi đua ái quốc, chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị mình. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Trần Rô