Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thăm, tặng quà cho các hộ dân tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân Bến Cừ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh
Chúng tôi đến thăm gia đình đồng chí Lê Hữu Hoài, Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, nằm trong điểm dân cư Mít Mọi, chỉ cách đường biên giới 700m. Hoài là đối tượng thụ hưởng của Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới do Quân khu 7 đầu tư xây dựng từ năm 2019. Được cấp nhà ở ngay cạnh chốt, vợ chồng Hoài luôn chăm chỉ lao động, chăm sóc vườn mỳ rộng 1ha, tích lũy được số vốn kha khá để xây mới thêm 100m2 nhà ở trên diện tích đất được cấp sử dụng. Bên cạnh đó, Hoài cùng các anh em trong chốt dân quân đầu tư 200 triệu đồng nuôi ba ba thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Với đồng chí Trương Văn Chình, Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, biên cương đã trở thành mái ấm thân thương của anh. Được cấp nhà ở tại điểm dân cư Thành Nam, vợ anh đã mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Vợ chồng anh đã có một cậu con trai 5 tuổi, rất hiếu động, thường hay bày trò, nô đùa với mấy đứa nhỏ của các hộ dân tại điểm dân cư này. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh cùng vợ chăm sóc vườn lan mà vợ anh rất “tâm huyết” khi chuyển về đây sinh sống. Cuộc sống thật sự bình yên nơi biên cương.
Chúng tôi đến điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước trong tràn ngập màu xanh của vườn cao su đang độ thu hoạch. 10 hộ dân tại điểm dân cư này, ngoài diện tích đất ở, còn được cấp 5.000 m2 đất trồng cao su nên cuộc sống rất ổn định.
Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực xã Lộc Thiện - Trần Giác Dũng dẫn chúng tôi thăm vườn cao su của gia đình với 200 gốc đang cho mủ, mỗi ngày cho thu nhập từ 250 - 300.000 đồng. Gia đình Dũng còn chăn nuôi heo lai rừng và đàn gà 100 con, vườn rau xanh luôn xanh tốt, bảo đảm bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Dũng vừa mới lấy vợ. Tổ ấm nhỏ của đồng chí Chốt trưởng luôn tràn ngập niềm vui và sắc hoa tươi thắm, đang từng ngày làm đẹp cho bức tranh biên giới thêm rực rỡ.
Theo chia sẻ của ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, hiện nay cuộc sống của các hộ dân tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn huyện rất ổn định, không còn hộ nghèo và cận nghèo. Người dân đều có việc làm, có đất sản xuất để canh tác, mức thu nhập bình quân đầu người từ 40 - 70 triệu đồng/người/năm.
Vùng biên thương nhớ
Những ngày tác nghiệp nơi biên giới đã để lại những cảm xúc thân thương về người nông dân hồn hậu, chất phác nơi đây. Thấy đoàn làm phim đến ghi hình, bà con tại Điểm dân cư xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An rất vui vẻ, hồ hởi chia sẻ một năm “được mùa, giá cao”. Đa phần các hộ dân ở đây trồng mít. Hộ ít nhất cũng trồng 1 ha, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Hôm chúng tôi đến, các hộ vừa thu hoạch xong. Cô Ngô Thị Bé thật thà hẹn chúng tôi tháng 8 đoàn đến thăm sẽ mời thưởng thức mít nhà trồng được.
Di dọc biên giới tràn ngập sắc hồng hương sen
Biên cương hôm nay không còn xa xôi, cách trở khi điện đã thắp sáng trên những mái ấm vùng biên, khi đường giao thông đã về đến tận thôn ấp để tương lai không xa, nơi đây sẽ là các xã, thị trấn phát triển đẹp giàu của biên giới Tây Nam Tổ quốc.