Kinh tế phát triển tạo động lực
ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.
Báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, qua hai năm thực hiện nghị quyết về phát triển vùng ĐBSCL, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế, gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành vùng ĐBSCL đạt 1.263 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% so với cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm dần, đạt 30,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng, đạt 27,62%; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng nhẹ, đạt 37,07%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm là 5,26%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL duy trì tăng trưởng tốt, trong đó ba tỉnh là Trà Vinh, Kiên Giang và Hậu Giang có mức tăng trưởng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 4/6 vùng trên cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn phát triển trên địa bàn toàn vùng đạt 424.603 tỷ đồng, đạt 98% so kế hoạch, tăng 12,2% so năm 2022.
Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất. Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá. GRDP dự kiến đạt khoảng 6,12%.
Không chỉ có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, miền Tây còn có nhiều tiềm năng về công nghiệp dầu khí và năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng thủy triều,... Khu vực này còn có tiềm năng phát triển du lịch khi có hàng trăm hòn đảo, 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Miền Tây còn được biết đến với hệ sinh thái ngập nước và rừng nhiệt đới có giá trị quan trọng ở cả cấp quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như rừng tràm Trà Sư (An Giang), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang).
Gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông
Sự phát triển về kinh tế cùng những tiềm năng sẵn có chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản vùng. Bên cạnh đó, tiềm năng bất động sản khu vực miền Tây còn đến từ hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện.
Vào thời điểm năm 2021, khi quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021–2030 vẫn còn là dự thảo, toàn bộ 13 tỉnh, thành miền Tây có chưa đến 100km đường cao tốc. Đây là một sự bất cân xứng đáng kể khi miền Tây chiếm xấp xỉ 20% dân số, diện tích và quy mô kinh tế của cả nước.
Điều này không khó lý giải bởi với đặc trưng nền đất yếu và hiện tượng sụt lún tự nhiên, kết hợp những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, việc xây dựng hạ tầng giao thông tại miền Tây đòi hỏi chi phí rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, suất đầu tư cho các công trình giao thông ở khu vực này thường cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các địa phương khác trong cả nước.
Ngoài đường bộ, đường thủy nội địa cũng đóng vai trò quan trọng trong giao thông của miền Tây, đồng thời là phương thức vận chuyển truyền thống đặc trưng của vùng sông nước. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư đúng mức, hệ thống giao thông đường thủy hiện nay chỉ đáp ứng được nhu cầu tập kết hàng hóa với quy mô hạn chế. Hạ tầng cảng biển, dù có sự hiện diện của các cảng lớn như cảng Cần Thơ hay cảng Long An vẫn chưa được khai thác hết công suất, dù nhu cầu xuất khẩu nông sản của vùng là rất lớn.
Sự yếu kém về hạ tầng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến miền Tây kém sức hút đối với các nhà đầu tư. Khi không thu hút được doanh nghiệp, nguồn lực tự nhiên lại bị khai thác cạn kiệt, miền Tây gặp khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dẫn đến việc không tạo ra nhiều cơ hội sinh kế cho người dân. Điều này buộc nhiều thanh niên miền Tây phải rời quê đi tìm việc tại Bình Dương, TP.HCM và các khu vực khác. Tình trạng này không chỉ làm suy giảm lực lượng lao động tại chỗ mà còn khiến vùng ĐBSCL ngày càng kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay giấc mơ về miền Tây bằng đường cao tốc đang dần trở thành hiện thực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã, đang và sắp được triển khai. Bệ đỡ từ hạ tầng đang mở ra cơ hội kết nối liên vùng, mở lối thông thương đưa miền Tây phát triển xứng với tiềm năng của một khu vực trọng điểm kinh tế cả nước.
Điểm nghẽn hạ tầng được tháo gỡ, tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản miền Tây phát triển. Ảnh: Trần Phong
Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến danh mục nhu cầu đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đến năm 2030 có tổng chiều dài 911km, vốn đầu tư 154.210 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2025, miền Tây sẽ có 300km đường cao tốc, trong đó phải kể đến 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km) đã đi vào khai thác. Cùng với đó là các tuyến đã và đang xây dựng như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km), cao tốc Bến Lức - Long Thành (55km) kết nối miền Tây với các tỉnh Đông Nam Bộ, cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6km kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Ngoài ra còn có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đi qua 5 địa phương gồm TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) dài gần 111km khởi công đầu năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025… Không chỉ có giao thông đường bộ, theo quy hoạch đến năm 2030, miền Tây sẽ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Đón đầu quy hoạch phát triển, thị trường bất động sản miền Tây đang nổi lên như điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thời gian qua, hàng loạt ông lớn bất động sản đã tiến về thị trường miền Tây đón sóng hạ tầng, kéo theo đó là làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân cũng bắt đầu tăng nhiệt tại các tỉnh thành “vùng đất Chín Rồng”.
Ngoài ra, nhiều nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp đã “đổ bộ” vào ĐBSCL như một điểm đến đầu tư mới và nhiều tiềm năng để đầu tư những dự án quy mô lớn như SLP, VSIP,...
Ông John Campbell, Giám đốc Bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá, đây là một bước đi phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung và quỹ đất công nghiệp tại khu vực TP.HCM ngày càng hạn chế.
Cùng với đó, loạt dự án cơ sở hạ tầng đang trong kế hoạch phát triển cũng khiến hệ thống giao thông kết nối của khu vực ngày càng hoàn thiện, tiêu biểu là 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km. Theo đánh giá của ông John Campbell, các dự án đầu tư này đều cho thấy sự cam kết lâu dài trong tầm nhìn phát triển kinh doanh, cải thiện chất lượng hệ thống logistic và bất động sản tại khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Những dự án mới này là nguồn cung bổ trợ cho tình trạng tắc nghẽn, khan hiếm nguồn cung tại TP.HCM. Trong thời gian tới, có nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục chọn khu vực này là điểm đến, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm, đồ uống, chế biến sản phẩm nông sản thô”, ông nói.
Khu vực miền Tây có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, bất động sản
Nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Cần Thơ
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị hạt nhân và trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL, tiếp giáp nhiều tỉnh thành như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang và đang dần khẳng định vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế, đô thị hóa khu vực.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, kết quả kinh tế xã hội của địa phương năm 2024 có sự tăng trưởng đều đặn, quý sau cao hơn quý trước. GRDP của thành phố trong quý 1 tăng 4,6%, quý 2 đạt 5,86% và quý 3 tăng trưởng 8,34%, đưa mức tăng trưởng bình quân trong 9 tháng đầu năm lên 6,25%. Mục tiêu đề ra trong năm 2024 là đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7,5% đến 8%.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, thành phố cấp mới 3 dự án FDI, vốn đăng ký 622.757 USD; tăng vốn 1 dự án, vốn tăng thêm 0,36 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án, vốn đăng ký 12,15 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 81 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.219,74 triệu USD (trong khu công nghiệp (KCN) 29 dự án, tổng vốn đăng ký 612,33 triệu USD; ngoài KCN 52 dự án, tổng vốn đăng ký 1.607,41 triệu USD).
Tại Diễn đàn kinh tế thường niên TP Cần Thơ 2024, các chuyên gia cho rằng hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông là trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm đầu tư vào thành phố Cần thơ nói riêng và cho cả vùng ĐBSCL nói chung. Mặc dù, hiện tại có sự quan tâm đầu tư nhưng giao thông liên kết vùng còn hạn chế so với các khu vực khác trên cả nước (chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của vùng). Mặt khác giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng ở ĐBSCL, song lại thiếu đầu tư, nên chưa phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường thủy…
Tuy vậy, Cần Thơ vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai. Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ được bố trí nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án: tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến nối Quốc lộ 91.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ đón thêm tuyển cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 130km, quy mô 4 làn xe và tổng đầu tư 46.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ kết nối thông suốt từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn vùng ĐBSCL phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng hiện có, thu hút mạnh nguồn vốn trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Cần Thơ đã và đang thu hút mạnh giới đầu tư bất động sản cả nước khi có hàng loạt ông lớn rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án. Một số tên tuổi nổi bật như Vingroup, Novaland, Nam Long, T&T, KITA Group, Văn Phú Invest,… Với việc mở rộng quy hoạch, các dự án không chỉ nằm ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng sang các khu vực Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều... góp phần thay đổi diện mạo, tạo hấp lực cho thị trường bất động sản Cần Thơ.
Lợi thế hút đầu tư bất động sản tại Hậu Giang
Tiếp giáp với thủ phủ Cần Thơ, Hậu Giang là cửa ngõ quan trọng kết nối các khu vực miền Tây với TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ. Vị trí này mang lại tiềm năng lớn trong phát triển bất động sản thương mại, khu đô thị và khu công nghiệp.
Là một trong những tỉnh có sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế trong khu vực ĐBSCL, những năm gần đây, GRDP của tỉnh Hậu Giang liên tục duy trì ở mức ổn định. Theo số liệu của Cục thống kê, năm 2022 GRDP của tỉnh đạt 13,94%, đứng đầu khu vực và đứng thứ 4 cả nước. Năm 2023, con số này tăng 12,27% tiếp tục dẫn đầu vùng và vươn lên đứng thứ hai cả nước. Đây là nền tảng để kinh tế - xã hội Hậu Giang tiếp tục bứt phá, thu hút nhà đầu tư nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư bất động sản.
Năm 2024, tỉnh cấp mới 5 chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp với số vốn 1.063 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 322 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư gần 185.000 tỷ đồng, trong đó có 257 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn hơn 35.000 tỷ đồng và 62 dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn gần 149.000 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới 1 dự án với số vốn là 0,15 triệu USD. Lũy kế đến nay có 25 dự án FDI (trong KCN là 5 dự án, ngoài KCN 20 dự án), với tổng số vốn đăng ký hơn 731 triệu USD.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 2 KCN và 7 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, thu hút được 113 dự án với tổng vốn đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 617 triệu USD. Các dự án đầu tư vào địa bàn đã giải quyết việc làm cho trên 33.800 lao động. Tỷ lệ lấp đầy 2 KCN đạt khoảng 93%; tỷ lệ lấp đầy 7 CCN khoảng 73%. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 63.876 tỷ đồng, chiếm hơn 84,51% cơ cấu khu vực II và gần 31,53% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cũng như các tỉnh thành khác trong vùng, điểm nghẽn lớn nhất khi đầu tư vào Hậu Giang là hạ tầng giao thông. Hiện nay, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở rộng, hệ thống đường nội tỉnh cơ bản kết nối thuận lợi với mạng lưới quốc lộ và giữa các địa phương trong tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trục dọc) và Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (trục ngang), đoạn đi qua Hậu Giang có tổng chiều dài khoảng 100km đang được triển khai thi công, được xem là cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang. Ðể khai thác lợi thế của hai tuyến đường cao tốc này, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang có sẽ có 7 KCN với tổng diện tích 2.200ha (kể cả 2 KCN với diện tích 490ha đã được đầu tư).
Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL, đến năm 2050 là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Do đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại.
Nhờ sự phát triển mạnh của công nghiệp, logistics, Hậu Giang đang thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào và tăng trưởng nhanh về kinh tế, đồng thời thu hút nguồn lao động lớn về làm việc trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Hậu Giang, thu hút sự đầu tư của các chủ đầu tư như Vingroup, Đất Xanh, Cát Tường Group, DIC, TNR… Các dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại là một trong những yếu tố tác động tích cực đến tốc độ phát triển đô thị, tạo thêm diện mạo mới cho đô thị, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng Tháp rộng cửa đón nhà đầu tư
Nằm ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Đồng Tháp có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tỉnh đang tập trung đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng, xây dựng các khu đô thị mới, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, du lịch... Tất cả những yếu tố này đã và đang tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Đồng Tháp.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế tỉnh ước đạt mốc 124.127 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6%; GRDP bình quân đầu người đạt 77,5 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.675 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 25.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm 2023. Vốn đầu tư phát triển khu vực ngoài nhà nước và FDI đạt hơn 18.600 tỉ đồng, tăng 2,26% so với năm 2023.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 KCN với tổng diện tích khoảng 400ha. Hiện có 3 KCN đang hoạt động, có 61 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.561 tỷ đồng. Trong đó, 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 232,02 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt khoảng 90%, tạo việc làm cho khoảng 13.700 lao động.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 CCN với tổng diện tích khoảng 536ha. Trong đó, 12 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 393,5ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 187,22ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 85,29%; thu hút được 62 dự án của 45 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 15.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 16.200 lao động.
Các KCN, CCN, khu kinh tế cửa khẩu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp qua việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, giải quyết đầu ra nguyên liệu nông - thủy sản, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ hiệu quả.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh thành lập mới 5 KCN với diện tích 866ha. Từ sau năm 2030 đến năm 2050, thành lập mới 3 KCN và mở rộng 4 KCN với tổng diện tích 3.388ha; thành lập mới 3 KCN trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp với tổng diện tích 1.800ha.
Quy hoạch đến năm 2030, Đồng Tháp thành lập mới 19 CCN với tổng diện tích 1.180ha, nâng tổng số thành 32 CCN với tổng diện tích 1.623ha. Các CCN được bố trí thuận lợi giao thông, vùng nguyên liệu, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các dịch vụ phục vụ người lao động.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng Tháp đang dần hoàn thiện, nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai đầu tư như cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ (cắt qua tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia) giai đoạn I; nâng cấp Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn I dự kiến khởi công vào tháng 12/2025...
Đây là các dự án hạ tầng giao thông có sức lan tỏa mang tính liên vùng, kết nối Đồng Tháp gần hơn với các vùng kinh tế trọng điểm. Qua đó, càng tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của tỉnh Đồng Tháp nói chung, trong đó có các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp cũng đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vật liệu xây dựng.
Với hạ tầng hiện đại, quỹ đất công nghiệp quy mô lớn, môi trường kinh doanh thuận lợi, Đồng Tháp đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây không chỉ là cơ hội để khai thác tiềm năng của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL.
Phương Vũ