Trâu từ ca dao, tục ngữ
Ông bà ta từ xưa đến nay đều có câu cửa miệng rằng:
“Con trâu là đầu cơ nghiệp
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay …”
Còn để nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông thì có câu:
“Ruộng sâu, trâu nái”
Con trâu còn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn: chăn trâu thì gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, phơi áo trên lưng trâu, thả diều ...
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công…”
Trâu với hội họa, thi ca
“Anh Sửu” cũng bước vào thế giới của hội họa - làng tranh Đông Hồ một cách tươi vui, khỏe khoắn. Những bức tranh gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân được truyền tải lên tranh, nổi bật nhất là hình ảnh chú bé thổi sáo chăn trâu. Người Việt Nam sống bằng nông nghiệp, xuất phát từ gốc nông nghiệp vì vậy có sự tôn trọng và ước mong cuộc sống hòa hợp, vui vẻ với thiên nhiên. Cậu bé ngồi trên lưng trâu, xung quanh đều là cỏ cây, đất trời rộng lớn bao la; tự do, tự tại. Hình ảnh trâu đi vào thi ca cũng thật gần gũi, nó còn là nhân vật trung gian len lỏi giữa tình cảm trai gái, thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung, chờ đợi. Với bài hát “Đường cày đảm đang” của nhạc sĩ An Chung: “Trời vừa tinh mơ dọc bờ rộn tiếng trâu đi ta với trâu sương gió quản gì. Bừa kỹ xong gieo luống cho đều. Trâu ơi ...mai lúa khoai nhiều. Gửi người thân yêu tiếng hát hậu phương thắm đượm hương lúa nồng có công em trồng…Giặc tan anh về đón anh thăm đường cày” . Còn bài hát: “Em bé quê” của Phạm Duy có câu rằng: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau. Và miệng hát nghêu ngao…”.
Trâu gắn liền với lễ hội
Tại Hải Phòng vào ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch diễn ra Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Chọi trâu là tục hiến tế Thủy thần. Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Một vùng đất gồm những cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp.
“Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu.”