Những năm qua, cùng với việc đưa Nhân dân ra quần đảo Trường Sa sinh sống, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc; việc triển khai xây dựng, hình thành các âu tàu, làng chài tại đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tiếp sức cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ vươn khơi bám biển. Trong đó các âu tàu Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây với tên gọi “Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật” thực sự là “thủ phủ cứu hộ, cứu nạn” cho ngư dân.
Các âu tàu được đầu tư xây dựng bài bản, vững chắc về cơ sở hạ tầng hậu cần - kỹ thuật, bảo đảm tiếp nhận hàng trăm tàu cá ngư dân vào tránh bão; sửa chữa, cung ứng nhiên liệu, nước ngọt và thay thế các trang thiết bị cho nhiều tàu thuyền cùng một lúc; bảo đảm nơi ăn nghỉ cho hàng trăm ngư dân.
Khí hậu tại khu vực quần đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, nắng gió quanh năm, nước biển mặn “phủ” khắp đảo. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, nhân viên của Hải đoàn 128, Hải đoàn 129, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xung phong ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ với vai trò là “người tiếp sức cho ngư dân bám biển vươn khơi”.
Trung úy QNCN Nguyễn Văn Hải, nhân viên kỹ thuật Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Những ngày đầu ra xây dựng âu tàu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mà mùa mưa bão thì đến gần, nhưng anh em đoàn kết, khắc phục khó khăn, đồng thời chạy đua với thời gian để hoàn thành các công trình của âu tàu, với mong muốn sớm đón ngư dân vào trú tránh bão an toàn”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo truyền thống của Việt Nam, đơn vị có chủ trương hỗ trợ cung ứng nhiên liệu bằng với giá đất liền, sửa chữa máy móc, tàu thuyền miễn phí về nhân công; hỗ trợ nước ngọt, thuốc chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.
Điểm tựa vững chắc
Với chức năng hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân vào neo đậu tránh trú bão, tiếp nhận nhiên liệu, nước ngọt, sửa chữa máy móc tàu thuyền; cấp cứu, khám chữa bệnh, các âu tàu trên biển thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vào mùa mưa bão và khi gặp sự cố trên biển.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, có hơn 400 lượt tàu cá với hàng nghìn ngư dân vào neo đậu trú tránh bão, sử dụng các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật. Năm 2021, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc đánh bắt hải sản của bà con ngư dân, số lượng tàu cá vào các âu tàu giảm so với trước, song công việc của cán bộ, nhân viên ở đây không vì vậy mà giảm đi. Mỗi lần tiếp nhận, sửa chữa tàu thuyền lại thêm công đoạn khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tàu cá QNg 92882 TS sau thời gian lênh đênh trên biển vì bị gãy trục, mất chân vịt; sau khi được hướng dẫn, đưa vào âu tàu Sinh Tồn được cán bộ, nhân viên nơi đây khắc phục sự cố. Xúc động trước tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây, thuyền trưởng Trần Văn Búp, chia sẻ: “Giữa biển khơi chẳng may gặp sự cố hỏng hóc tàu thuyền, nếu không có các anh cua Hải đoàn 129 giúp đỡ, chúng tôi không biết phải làm cách nào để vào được đất liền. Chuyến biển đó coi như mất trắng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có các âu tàu tiếp sức, chúng tôi rất yên tâm bám biển làm ăn”.
Đại tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129 khẳng định: “Hệ thống âu tàu, làng chài do đơn vị quản lý được xây dựng cơ bản, vững chắc, luồng vào lòng âu đủ rộng, độ sâu phù hợp, lòng âu kín khả năng che chắn sóng và gió tốt; nhà xưởng được trang bị máy móc hiện đại, có thể thay thế, sửa chữa hầu hết hỏng hóc tàu thuyền. Hệ thống bồn chứa nhiên liệu, nước ngọt đủ để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của ngư dân…”
Trường Sa những ngày đầu xuân Nhâm Dần tiếp tục đón hàng nghìn ngư dân ra khai thác hải sản. Vượt qua sóng gió, bà con đang “chạy nước rút” cho chuyến vươn khơi năm mới. Giữa mênh mông biển trời, những âu tàu, làng chài nơi tiền tiêu của To quốc đã và đang phát huy tốt công năng hiện có, trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần khẳng định ngư trường và chủ quyền của cha ông ta từ bao đời nay để lại.