Lực lượng Công binh Bộ Tư lệnh TPHCM tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: HOÀI NAM
Trong những năm qua, cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, TPHCM thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị phối hợp tổ chức khảo sát tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang trên địa bàn TP...
Bao năm trăn trở
Cựu chiến binh Lê Trường Giang (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có đến 5.000 cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông (Trung đoàn 16) đã ngã xuống. Trong đó, đến nay còn hơn 3.000 liệt sĩ vẫn nằm lại các nghĩa trang hoặc đâu đó trên địa bàn trú quân, chiến đấu ngày xưa thuộc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM.
Chiến tranh lùi xa bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm cơ quan chức năng, bản thân ông và đồng đội dốc sức tìm kiếm, kết nối đưa các anh về quê hương. Bao nhiêu năm qua, cuốn sổ ghi chép thông tin nhân thân liệt sĩ là đầu mối duy nhất giúp những người còn sống dò tìm tung tích người đã khuất.
Ông Giang nhớ mãi thời kỳ chiến tranh ác liệt, bộ đội ngã xuống ở đâu thì lễ an táng thực hiện ngay tại đó. Bây giờ, hài cốt tìm thấy nơi sông nước, kênh rạch rất khó xác định tên tuổi. Những phần mộ nằm trong vườn, khu dân cư càng khó tìm hơn do người dân và cơ quan chức năng thiếu kết nối thông tin. Có lần, đoàn tìm kiếm về xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) tìm nơi an táng một số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Sổ ghi chép chỉ lưu khu vực các anh hy sinh, không rõ địa điểm cụ thể. Vì thế, đoàn phải hỏi thăm từng nhà dân. Một người dân (từng đi lính chế độ cũ) biết chuyện các ông đang tìm đồng đội liền tìm đến cung cấp thông tin. Nhờ vậy, hai ngôi mộ bộ đội trong một khu vườn được xác định là liệt sĩ Cao Thế Tạc và Hà Văn Bảo.
“Nhắc đến lịch sử là nhắc đến những người hy sinh xương máu cho đất nước. Mỗi lần gửi thư thông báo tìm thấy phần mộ liệt sĩ là mỗi lần chúng tôi thêm trăn trở vì vẫn còn rất nhiều đồng chí nằm lại chiến trường, chưa đoàn tụ với gia đình. Chính vì thế, còn sức là chúng tôi còn đi tìm các đồng chí”, ông Giang bộc bạch.
Lòng quyết tâm của thế hệ đi trước gieo vào tinh thần thế hệ trẻ ý thức, trách nhiệm trong nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. 15 năm công tác trong tổ giúp việc tìm kiếm, quy tập mộ, hài cốt liệt sĩ trên địa bàn TPHCM, anh Chu Đức Công (chuyên viên Phòng Tổ chức - Lao động tiền lương, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM) cho biết, nhiều liệt sĩ vẫn nằm lại ở những quận, huyện vùng ven, chờ đồng đội, gia đình. Lực lượng tìm kiếm, quy tập trên địa bàn TP có rất nhiều cá nhân, cán bộ trẻ như anh.
Nhớ về những lần đi khảo sát, hỗ trợ bộ đội đào xới, hay chứng kiến cảnh cha mẹ khóc không thành tiếng khi ôm kỷ vật con để lại, anh Công xúc động: “Quả thật, thế hệ trẻ như chúng tôi không thể nào hiểu cặn kẽ sự hy sinh, mất mát của cha anh đi trước. Chúng tôi luôn nghĩ mình cần làm hết sức để thể hiện tấm lòng, giúp thân nhân liệt sĩ yên tâm, hài lòng”.
Khẩn trương tìm kiếm thông tin về hài cốt liệt sĩ
Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết 2 năm qua, TP đã tìm kiếm, quy tập và di dời được 49 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có 34 bộ hài cốt biết tên, biết thân nhân liệt sĩ; 5 bộ hài cốt dự kiến xác định được danh tính liệt sĩ và còn đến 10 bộ hài cốt chưa biết tên cụ thể. Đau đáu nhất là trong tổng số khoảng 26.000 mộ liệt sĩ ở 7 nghĩa trang trên địa bàn TPHCM, hiện nay mới có hơn 16.000 mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin. TP còn 6.425 mộ mới biết một phần thông tin; 3.664 mộ chưa biết thông tin và 724 mộ vọng (không có hài cốt). Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải chung sức, có trách nhiệm tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác trong và ngoài địa bàn TP, góp phần giúp các gia đình có thân nhân liệt sĩ đã hy sinh tìm được hài cốt và biết được thông tin về liệt sĩ, về mộ liệt sĩ.
Lý giải về số lượng lớn mộ liệt sĩ chưa có đủ thông tin, đại tá Trần Vinh Ngọc phân tích, trong quá trình cải tạo địa hình, xây dựng các nông trường kinh tế tại TPHCM, nhiều hài cốt liệt sĩ được các đơn vị và nhân dân phát hiện, an táng ban đầu. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, phần lớn số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ chưa được hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về danh sách, số lượng hài cốt liệt sĩ, sơ đồ khu vực, địa điểm quy tập.
“Mấy chục năm qua, TPHCM phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, địa hình ở các địa phương đã thay đổi nhiều. Nhiều khi sơ đồ đánh dấu khu vực chôn cất liệt sĩ ban đầu khi hy sinh so với địa hình ngày nay đã thay đổi, không tìm được vị trí chính xác. Số nhân chứng là cựu chiến binh và người dân trực tiếp chôn cất liệt sĩ đến nay cũng còn rất ít”, đại tá Trần Vinh Ngọc chia sẻ.
Để xác định thông tin trên 10.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu và chưa biết được thông tin, năm 2016, các đơn vị chức năng ở TPHCM phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật hóa, Viện Pháp lý quân đội và kết hợp trên cơ sở tài liệu lưu trữ hồ sơ liệt sĩ, thông tin được cung cấp từ đồng đội, thân nhân liệt sĩ để tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, phục vụ công tác giám định gien xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đại diện Bộ Tư lệnh TPHCM cho hay, trong thời gian tới, TP tiếp tục hoàn chỉnh cập nhật dữ liệu hồ sơ liệt sĩ đang quản lý để khai thác các thông tin về phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị...; đồng thời phối hợp với các đơn vị trong toàn quân trao đổi thông tin liệt sĩ.
Nguồn: sggp.org.vn