Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây tròn 70 năm, có vai trò, vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, trực tiếp là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
“Vấn đề cán bộ” và công tác cán bộ là một trong sáu nội dung lớn trong Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện. Người chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Theo Người, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, phải hết sức thiết thực, hiệu quả; mục đích là để trang bị cho cán bộ có kiến thức toàn diện. Tuy nhiên, phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những kiến thức sát với nghề nghiệp, cương vị, chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ; đặc biệt, huấn luyện nghề nghiệp cần “Phải thực hành khẩu hiệu: Làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an...; cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở môn đó”. Những tư tưởng đó của Người đến nay vẫn là những chỉ dẫn hết sức quý báu đối với Đảng ta trong công tác giáo dục, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ.
“Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm thể hiện toàn diện những tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về vấn đề “nuôi dạy cán bộ”. Theo Người, việc “nuôi dạy cán bộ” là công việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, từng cấp ủy đảng phải đặc biệt quan tâm, chăm lo chu đáo đến công tác này, Người chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng cần phải hiểu rõ cán bộ, phải biết cất nhắc cán bộ cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ cho đúng và phải giữ gìn cán bộ. Theo Người, đội ngũ cán bộ không chỉ bó hẹp trong đội ngũ đảng viên của Đảng, trái lại còn bao hàm những người ưu tú xuất hiện trong phong trào của quần chúng. Vậy nên, Đảng cần phải có quan điểm quần chúng đúng đắn, phải lựa chọn được những quần chúng ưu tú xuất hiện trong phong trào quần chúng để bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Đảng và khi đã lựa chọn đúng đội ngũ cán bộ, vấn đề hết sức quan trọng là phải “mạnh dạn trao việc cho cán bộ làm, bày vẽ cho họ làm; tuyệt đối không sợ họ mắc sai lầm, khuyết điểm”. Tuy nhiên, phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Khi cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm không được vội vàng “khai trừ” hay “cảnh cáo họ”, trái lại cần phải giúp họ sửa chữa sai lầm khuyết điểm; phải thường xuyên quan tâm đến đời sống, sinh hoạt, tạo điều kiện cho cán bộ chuyên tâm, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân.
Về vấn đề khéo dùng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, chúng ta hay mắc những chứng bệnh như: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp với mình… Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”. Theo Hồ Chí Minh, cách dùng cán bộ đúng trước hết mình phải có độ lượng vĩ đại, có như vậy mới có thể đối xử với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo cán bộ để giúp đỡ cán bộ không ngừng tiến bộ. Phải sáng suốt để khỏi bị bọn vu vơ, cơ hội bao vây mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật để cán bộ dám gần gũi với mình.
Người cũng chỉ rõ, mục đích của việc khéo dùng cán bộ, cốt là để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ, là để cho cán bộ làm được việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để không mắc sai lầm trong việc khéo dùng cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải tránh tự tôn, tự đại mà phải nghe, phải hỏi ý kiến cấp dưới; phải có gan cất nhắc cán bộ; phải yêu thương cán bộ; đối với những cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm thì phải dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa dạy bảo để giúp cán bộ sửa chữa tiến bộ. Người chỉ rõ: “Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”.
Những tư tưởng trên của Hồ Chí Minh về cán bộ, về công tác cán bộ của Đảng là tư tưởng hết sức tân tiến vào giai đoạn lịch sử đó. Chính nhờ những tư tưởng tân tiến, mang tính vạch thời đại, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối, nên trong điều kiện cách mạng vừa giành được chính quyền, đang trong vòng vây của đế quốc, nhưng Đảng ta vẫn tuyển chọn được đội ngũ cán bộ các cấp, gồm nhiều người ưu tú, có đầy đủ đức tài trong quần chúng để thiết lập thành công bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương; để Đảng ta đấu tranh gạt bỏ những tiêu cực trong việc tạo nguồn, quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Suốt 70 năm qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác cán bộ của Đảng. Nhờ vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta vẫn xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để đảm đương sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đến nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự và là những chỉ dẫn hết sức quan trọng để Đảng ta đấu tranh gạt bỏ những tiêu cực trong việc tạo nguồn, quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, lúc nào cũng không thiếu những người tài giỏi. Vấn đề đặt ra là Đảng phải có quan điểm đúng, có cách lựa chọn cán bộ đúng mới có thể tuyển chọn được những người thực sự tài năng, đức độ, có đủ tâm, đủ tầm để tham gia giúp dân, giúp nước.
PGS, TS PHẠM XUÂN MÁT