Chống dịch như chống giặc
Xem video clip ca nhạc “Chống dịch như chống giặc” của Trung tá Vũ Văn Thành, Đội trưởng Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4, chúng tôi càng cảm phục tinh thần chung sức, đồng lòng chống dịch của quân và dân ta trong những ngày dịch cao điểm.
Lời của ca khúc nhẹ nhàng, gần gũi mà vô cùng sâu lắng theo giai điệu tango, mang lại những cảm xúc đặc biệt, khơi dậy niềm tự hào về Bộ đội Cụ Hồ trên tuyến đầu chống dịch. “Chống dịch như chống giặc, truyền đi khắp muôn nơi, từ trên những tuyến đường, từ quê lên thành phố…”, lời mở đầu ca khúc như thúc giục tinh thần của mọi người, mọi nhà cùng chung sức phòng, chống dịch khi “mỗi người là chiến sĩ”. Rồi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội lên đường chi viện cho Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh; hàng ngàn giảng viên, sinh viên y khoa tình nguyện vào tâm dịch; kể cả các cựu chiến binh vẫn xung phong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới, kề vai, sát cánh cùng các lực lượng chức năng, nhân dân địa phương chống dịch Covid-19… đã chuyển hóa thành những ca từ xúc động trong ca khúc “Chống dịch như chống giặc”.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Vũ Văn Thành cho biết hàng ngày, theo dõi thông tin của đồng đội ở đơn vị đang công tác nơi tuyến đầu chống dịch vô cùng khắc nghiệt và gian khổ, cũng như tin tức thời sự dịch bệnh, nên anh tự thấy bản thân cần phải làm gì đó để có thể góp phần cùng toàn dân, toàn quân chống dịch. Những cảm xúc cứ ngày càng dâng trào và Trung tá Vũ Văn Thành bắt đầu vừa viết lời, vừa viết nhạc cho ca khúc “Chống dịch như chống giặc”. Ca khúc được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19.8.1945 -19.8.2021).
Tuy được thực hiện trong điều kiện đơn vị không có phòng thu âm chuyên nghiệp, clip ca khúc được Trung tá Vũ Văn Thành và đồng đội quay, dựng dã chiến bằng điện thoại, nhưng những tình cảm của người lính trong ca khúc như một món quà tinh thần động viên những con người âm thầm ngày đêm chiến đấu với “kẻ thù giấu mặt” Covid-19.
Món quà tri ân tuyến đầu
Để dành tặng những món quà tri ân những “chiến binh thầm lặng” nơi tuyến đầu, Lưu Trường Sơn trong Đội Quân nhạc Quân đoàn 4 cũng đã viết một ca khúc đầy cảm xúc mang tên “Tạm biệt em”. Trong ca khúc này, hình ảnh các “nữ chiến binh” xuất hiện đầy xinh đẹp. Họ đã “xông pha tuyến đầu”, “ngấn giọt mồ hôi”, “Vì ngày mai quê hương Việt Nam vượt qua đêm tối bão bùng/ Xóa tan nhọc nhằn đường về vui tiếng chim ca…”. Vì thế, “Thương em tôi dãi dầu mưa nắng/ Quên gian lao vững vàng em giữ/ Mầm sống yêu thương của trái tim bao người…”.
Bên cạnh các chiến sĩ bộ đội, lực lượng công an nhân dân cũng đóng góp rất nhiều trong cuộc chiến nguy hiểm này. Trong ca khúc “Tuyến đầu chống dịch có chúng tôi” của Hữu Toàn (Công an tỉnh Bình Dương), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh, vất vả của các chiến sĩ công an. Họ đã để lại vợ con, gia đình, gác niềm riêng xông pha vào trận chiến cùng các chiến binh áo trắng, áo xanh, áo đỏ… Với họ, “Dù có hy sinh nhưng lòng vẫn muốn xông pha/ Cùng những chiến binh áo trắng đang gắng gồng/ Giành từng giọt máu, từng hơi thở, từng nhịp sống/ Và cùng chiến binh màu áo xanh anh bộ đội/ Chúng tôi chính là người chiến sĩ… công an”.
Anh Hữu Toàn cho biết trước ca khúc “Tuyến đầu chống dịch có chúng tôi”, anh cũng đã sáng tác nhiều ca khúc ca ngợi tuyến đầu và những hoạt động nghĩa tình mùa dịch ở Bình Dương như một sự tri ân. Các ca khúc: “Rock Covid”, “Rock Covid 2 - Chiến binh áo trắng”, “Cho đi giữ lại”… được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích. Đây là niềm khích lệ tinh thần rất lớn để Hữu Toàn tiếp tục thăng hoa cảm xúc trong các sáng tác mới thời gian tới. Hy vọng rằng, đại dịch sẽ sớm kết thúc và nhanh chóng trở thành những ký ức, để mọi người trở lại cuộc sống yên bình như cũ.
Với những lời ca đầy tình cảm, cảm xúc tự hào như sự thôi thúc bước chân những người chiến sĩ đang sục sôi bầu nhiệt huyết sẵn sàng ra sức chiến đấu vì dân, vì nước, các ca khúc của những người lính trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 góp phần cổ vũ lực lượng y tế, công an, quân đội đang căng sức chống dịch; qua đó khẳng định quyết tâm và niềm tin chiến thắng về một ngày không xa dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống nhân dân sẽ trở lại yên bình.