Vốn là vùng đất trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn với những giồng đất cao, tiếp giáp giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, gần với Sài Gòn và tựa lưng vào nước bạn Campuchia đó là những điều kiện để Bình Thành trở thành một căn cứ bưng biền độc đáo, căn cứ của lòng dân trong hai cuộc kháng chiến. Sau hơn 40 năm, nơi ấy là địa danh lịch sử-văn hóa-du lịch của tỉnh Long An và Bình Thành đã từng bước đi lên xây dựng cuộc sống mới trên nền tảng lịch sử đáng tự hào.
Đường vào căn cứ Bình Thành
Ngày trước nói về Bình Thành là nghĩ ngay đến vùng quê cách mạng nghèo khó nhất tỉnh Long An. Như câu chuyện của anh Hà Thanh Sơn, nguyên du kích xã Bình Thành (thời kỳ 1975-1989) kể với chúng tôi về một người dân ở đây được người bạn tặng chiếc xe đạp kiên quyết không nhận dù nhà rất nghèo và cũng không biết chạy ở đâu, bởi bưng biền sình lầy, đường đất ghập nghềnh, đứt khúc. Sau 4 lần chia tách địa giới từ diện tích 13 ngàn hecta đất, Bình Thành còn khoảng 2.600 hec ta với 3.000 hộ dân. Và hôm nay, dù đổi thay chưa nhiều nhưng Bình Thành vẫn có đường nhựa chạy đến tận UBND xã, các đường giao thông liên 4 ấp đã được thông thương.
Từ năm 2014 xã còn nhiều hộ nghèo nhưng đến nay thì địa phương chỉ còn 44 hộ. Thu nhập bình quân của người dân đạt 30 triệu đồng/người/năm nhờ mô hình thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Lúc trước địa phương chỉ trồng được tràm và lúa 1 vụ nay nhờ hệ thống thủy lợi bà con trồng lúa 2 vụ thêm mô hình trồng chanh xuất khẩu và dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh nỗ lực của quân và dân Bình Thành, năm 2015 Tỉnh ủy chọn Bình Thành thực hiện về nguồn với kinh phí 50 tỷ đầu tư cho công trình phúc lợi như làm đường, trường, trạm xá... góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Dự kiến năm cuối năm nay Bình Thành đủ tiêu chuẩn đón nhận xã văn hóa cấp tỉnh.
Hầm trú ấn bên gốc tre là chứng tích lịch sử còn lại của Bình Thành
Đáng ghi nhận là từ trước đến giờ Bình Thành luôn giữ vững tình hình anh ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bà con láng giềng hòa thuận đoàn kết, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, cần cù lao động phát triển kinh tế gia đình. Ông Lại Thanh Phú Quý, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành phấn khởi cho biết thêm: Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng quân dân Bình Thành chung sức đồng lòng từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn vững về quốc phòng và an ninh, đồng thời đang từng bước đổi thay về kinh tế.
Tháng tư về Bình Thành vui mừng trước sự đổi thay trong cuộc sống và chia sẻ niềm tự hào về đất và con người nơi đây. Len lỏi trong những vuông tràm trên con đê làng theo chân cựu du kích Hà Thanh Sơn chúng tôi đến dòng kinh 62 (kinh Ma Ren) là nơi trong kháng chiến quân dân ta vận chuyển vũ khí, lương thực tập kết từ Ba Thu - Mỏ Vẹt về Sài Gòn chuẩn bị cho ngày 30 tháng 4 lịch sử. Giờ con kinh được đã được đầu tư mở rộng hơn nhiều so với ngày trước. Ngày xưa vào thời điểm nước ròng bà con Bình Thành phải bơm nước từ sông Vàm Cỏ vào để xuồng ghe chở lương thực, vũ khí dễ dàng vận chuyển.
Năm 1996 nhân dân Bình Thành vô cùng vui mừng khi Tỉnh ủy quyết định phục hồi, tôn tạo lại lại khu di tích lịch sử với quy mô ban đầu là 93 ha (Hiện nay khu di tích tọa lạc trên địa bàn xã Bình Hòa Hưng sau khi chia tách địa giới từ xã Bình Thành). Lúc đó chú Nguyễn Văn Sóc là người đầu tiên tình nguyện giao đất, giao nhà cho ban dự án. Để minh chứng lại những khoảng khắc lịch sử đầy tự hào chú làm “trưởng đoàn” dẫn chúng tôi đến thăm khu di tích cách đó không đầy 1km. Đó là khu di tích rộng, với nhiều mảng xanh của tre trúc, tràm. Khu trung tâm chính diện là bia tưởng niệm ghi danh những anh hùng liệt sĩ của 15 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh Long An.
Cổng Khu di tích Bình Thành
Giờ khu di tích lịch sử Bình Thành là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục lịch sử, địa chỉ đỏ về nguồn, nơi nhân dân trong và ngoải tỉnh đến tham quan và nhất là nơi mà tên của tất cả những anh hùng liệt sĩ của quê hương Long An được tạc vào bia. Những người đã từng trãi qua, sống trong chiến tranh mới thấy được hòa bình quý giá đến dường nào, nhất nhìn quê hương mình, gia đình từng ngày đổi mới.