
Quán triệt phương châm “Thực túc binh cường” và chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu về tích cực tăng gia sản xuất gắn liền với căn cứ Hậu cần kỹ thuật, tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm sạch tự túc cho bộ đội, dự trữ một phần cho những năm đầu chiến tranh, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh chỉ đạo cơ quan hậu cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy chất đất trong khu sản xuất tập trung đang trồng mía, nếu trồng cây đậu phộng có chu kỳ thu hoạch (3 vụ) là rất phù hợp. Đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dự trữ được dài ngày. Để tìm hiểu thực tế, Phòng Hậu cần trực tiếp khảo sát vùng chuyên canh cây đậu phộng tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu. Sau khi được một số bà con nông dân sản xuất đậu phộng giỏi, nhiều kinh nghiệm nhiệt tình hướng dẫn và sẵn sàng giúp tư vấn về mặt kỹ thuật trồng, Phòng Hậu cần mạnh dạn đề xuất Bộ CHQS tỉnh chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất 18 ha trong khu sản xuất tập trung.
Sau hơn 40 ngày xuống giống, với lợi thế có nguồn nước tưới thường xuyên từ lòng hồ Dầu Tiếng, đất không phụ công người, hợp với cây trồng mới, những luống đậu phộng dài thẳng tắp, xanh mướt đẹp mắt, hứa hẹn cho một mùa bội thu. Chi phí đầu tư cho cây đậu phộng từ lúc trồng đến khi thu hoạch ước tính trên 40 triệu đồng/ha. Sản lượng thu hoạch trung bình đạt 3,5 - 4,5 tấn/ha. Qua tham quan mô hình, nhiều nông dân ở xã Tân Phú nói riêng và trong huyện Tân Châu đã chia sẻ, vùng đất này trước đây chủ yếu trồng mì, còn mùa mưa thì trồng lúa, cây đậu phộng chỉ trồng trên các gò cao. Từ khi thấy bộ đội trồng phát triển được như thế này, bà con rất thích và chắc chắn vụ sau sẽ trồng thử.
Để mang tính bền vững, lâu dài, Phòng Hậu cần tham mưu với Bộ CHQS tỉnh lập kế hoạch tăng gia sản xuất chu kỳ 1 năm gồm 2 vụ đậu và 1 vụ lúa. Đơn vị tận dụng điều kiện tự nhiên, đào đắp hệ thống thoát nước tạo thành ao nuôi cá, sử dụng dòng nước từ hồ Dầu Tiếng chảy ngang và nguồn nước từ ao cá để tưới tiêu, vừa bảo đảm cho cây trồng vừa thay đổi nguồn nước sạch trong ao cá, kết hợp bờ ao trồng cây ăn quả như mít, chuối, đu đủ để trở thành khu sản xuất tập trung đa dạng, nhiều chủng loại, hứa hẹn trở thành khu tăng gia sản xuất tập trung kiểu mẫu của Bộ CHQS tỉnh.
Bằng tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt khó cùng với sự chủ động, nhạy bén trong công tác tham mưu của ngành Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất của các đơn vị, góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh