Giọng chú Tư rõ to, vang xa nhưng tuyệt nhiên không một lời đáp lại. Chỉ nghe tiếng rì rào của gió ngang qua trên nền trời lưa thưa nắng. Có tiếng lá xạc xào đáp lời chú nhưng không thấy tiếng người. “Tổ cảnh vệ sao chưa thấy về cà?”. Vừa nói chú Tư vừa với tay lấy cây AK máng ở vách nứa, rón rén bước ra ngoài. Hiệp định Paris đã ký kết, đã có hiệu lực nhưng súng vẫn nổ, bom vẫn rơi là chuyện thường. Nhưng tiếng nổ này lạ lắm! Nó không phải lựu đạn chày, cũng không phải loại da trơn “trái cam, trái chanh”, càng không phải M26. Thứ M26 nổ chát chúa, đinh tai nhức óc, nổ như xé toạc không gian ra từng mảnh vụn. Vậy thì cái giống gì? Thật kỳ lạ, từ cơ quan huyện đội đến nhà bếp chưa đầy 50 thước mà sự im lặng đến rợn người. Bỗng có bóng người thấp thoáng bên kia suối. Tiếng động nghe rất khẽ nhưng không lẫn vào âm thanh khác. Bóng người cứ thậm thụt, lấp ló sau gốc chò. Trong tư thế sẵn sàng, chú Tư quát lớn:
- Đứa nào?
- Con đây, chú Tư! Cu Hướng đây, chú Tư!
- Bảo vệ của anh Năm, phải không?
- Dạ…dạ!
Cu Hướng thò mặt ra khỏi gốc chò, rồi khom người lội qua suối. Nó men theo lùm bụi tre rừng và nhanh như chớp, nhảy phốc lên bờ tiến sát chú Tư.
- Cái gì nổ vậy, chú Tư?
- Chưa biết! Hình như trong nhà bếp? Bên Huyện ủy sao rồi?
- Dạ…cũng đang sẵn sàng chiến đấu! Chú Năm biểu con qua coi thử…
- Thiệt chớ thử gì mậy? Chú Tư ra hiệu cho cu Hướng nép vào gốc cây.
Và trong lúc một già một trẻ đang căng mắt nhìn về hướng bếp thì cu Đền lù lù xuất hiện. Đền hai tay ôm mặt, trên mặt nó lốm đốm một màu vàng vàng sệt sệt như lòng đỏ của trứng.
- Chuyện gì vậy mậy, Đền? Chú Tư ngạc nhiên.
- Dạ…dạ…cháu đang luộc trứng thì nó…nổ!
- Mày nói sao? Trứng nổ? Trứng gì dữ vậy? Mày giỡn mặt hả?
Lúc này mấy cô y tá trẻ bên trạm xá cũng vừa tới, càng làm cho cu Đền thêm lúng túng.
- Dạ…cháu…cháu đang luộc trứng…thì nó…nổ…thiệt mà! Để…để con nói…nói chú nghe…nghe sau!
Thấy Đền có vẻ đau, chú Tư biểu mấy cô y tá: “Thôi, kêu nó qua bển
rửa ráy, chăm sóc thuốc men cho nó, chuyện gì tính sau!”
Cu Hướng thấy bạn “bị thương” cũng đi theo qua bên trạm xá. Chú Tư nói vói theo: “Về nói anh Năm, không có gì đâu nghen Hướng, lát chú qua!”. Cu Hướng dạ một tiếng rõ dài rồi đi theo mấy cô y tá.
* * *
Còn lại một mình, vừa nhổ nốt chỗ lông heo sót lại, chú Tư Mên vừa suy nghĩ lung lắm. Tội nghiệp cái thằng trẻ người non dạ, ăn chưa no lo chưa tới, mới mười tuổi đầu đã mồ côi cha, ba năm sau mẹ đi thêm bước nữa. Một hôm cha dượng bảo: “Lấy chai qua bà Bảy Ù mua tao lít rượu, mày!”. “Dạ, hổng có tiền.”. “Không có tiền thì mua chịu, mai tao trả!”. “Mua chịu hoài, bả hổng bán.”. “Cái thằng biểu không nghe, còn cãi bướng. Có đi không, tao đánh chết mẹ mày bây giờ?”. Thằng cu Đền mất hồn xách cái chai chạy một mạch tới quán. Bà Bảy Ù ra rã: “Về nói thằng cha ghẻ mày, thiếu gì thiếu lắm thế? Bà hết vốn rồi, không bán chịu nữa!”. Cu Đền tiu nghỉu cầm chai về, nửa đường gặp đám bắn bi ăn dây thun, sà vào chơi mà quên rằng ở nhà có con sâu rượu đang chờ. Và con sâu rượu đó đã đi kiếm thằng Đền, lôi về đánh cho một trận thập tử nhất sinh.
Bà nội Đền thương cháu, không nỡ để cháu bị cha ghẻ hành hạ nên đến xã làng nhờ can thiệp cho bà được nuôi cháu tới khi khôn lớn. Đền muốn ở với bà để tránh đòn roi như cơm bữa của cha dượng nhưng lại không muốn xa mẹ. Vì mẹ Đền khổ quá, lam lũ đầu tắt mặt tối suốt ngày mà nào có được yên thân? Cứ rượu vào là lão chửi. Lão chửi để lòi tiền ra cho lão uống rượu. Và cứ thế hai mảnh đời của mẹ con Đền xoay vòng trong mùi rượu nặc nồng của lão.
Một đêm kia cách mạng về làng. Trong lúc phân vân chưa biết theo ai thì thằng Đền đi theo quân giải phóng. Bà nội mừng cho cháu, còn mẹ Đền cứ theo nắm tay con nửa muốn nửa không. Khi toán quân ra khỏi bìa làng thì mẹ chồng con dâu ôm nhau khóc hu hu. “Con đi nghen nội. Nội ở lại mạnh giỏi!”. Nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, Đền rơm rớm: “Mẹ với nội về đi. Bị dượng đánh mẹ phải bỏ chạy nghen. Con theo các anh vài năm, con lớn con về lại với mẹ thôi mà!”. Có tiếng chó sủa, vài tiếng súng cầm canh bắn vọng về cắt đứt sự bịn rịn của mấy mẹ con, bà cháu…và kể từ đêm ấy, thằng Đền chính thức là chiến sĩ quân giải phóng.
Lúc lên chiến khu, Đền được phân công làm cần vụ cho lãnh đạo huyện và liên lạc trong cơ quan từ bộ phận này sang bộ phận khác. Sau thấy nó lanh lẹ, tháo vát nên các anh lãnh đạo cử nó làm liên lạc cho huyện đội trưởng. Thử mấy lần, thấy Đền thông minh, dạn dĩ nên chú Tư đồng ý. Ví như đêm hôm khẩn cấp, một mình nó dám đem công văn ra trạm giao liên, hoặc đem tài liệu về ban hành lang của tỉnh cách mấy ngày đường. Tổ liên lạc của ban chỉ huy huyện đội có 3 người, nhưng khi cần một mình Đền cũng dám đi xuống ấp, bất kể ngày đêm. Nó cải trang qua mắt mạng lưới an ninh xã ấp, có lần tạt ngang nhà thăm mẹ và cha dượng rồi ung dung về lại chiến khu. Từ dạo ấy, hỏi thăm bà con cơ sở cách mạng cho hay, cha dượng không dám đánh mẹ nó nữa. Tóm lại, khi được phân công Đền luôn đi và về an toàn, hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng cái tánh thằng này cũng hay dúc dắc. Vì cái tánh này mà suýt làm hỏng việc lớn. Khi phái đoàn của tỉnh tập trung tại cầu Sông Quay chờ máy bay trực thăng của Ủy ban giám sát quốc tế chở về địa điểm thành lập Ban liên hợp quân sự 4 bên theo tinh thần Hiệp định Paris. Máy bay dưới bụng có sơn màu da cam cứ vòng qua vòng lại, đảo tới đảo lui mà không chịu đáp xuống. Thằng Đền cảnh vệ cho đoàn tức quá, chĩa cây AK lên trời dứ dứ vào mấy chiếc trực thăng. Mấy con chim sắt đảo thêm một vòng rồi bay đi thẳng. Các anh trong đoàn dũa thằng Đền tan nát. Nó lầm bầm, lịt lịt lảng đi chỗ khác. Tìm hiểu bên quân báo cho biết, mấy chiếc trực thăng chấp hành lệnh của thượng cấp vào phút cuối không hạ cánh. Nó chỉ làm động tác giả, có tính cách dò xét. Sau này thống nhất một địa điểm khác, nó mới hạ cánh xuống chở phái đoàn ta.
Thằng Đền có khả năng sáng tạo nhưng do thiếu kinh nghiệm nên nhiều lúc có những chuyện cười ra nước mắt. Đền đã sáng chế ra dụng cụ dập thuốc viên NT9 bằng những túc đạn AK có lò xo gắn bên trong. “Phát minh” này được ban dân y huyện biểu dương. Nhờ đó mà thuốc giải độc NT9 làm dưới dạng viên gọn hơn, nhanh hơn, dễ bảo quản và dễ sử dụng. Đền lấy nếp giã mịn, cho nước chín vào, bỏ chút men, đổ vô chai giữ kín vài ngày thì có được một thứ nước thuốc chữa đau bao tử, ăn khó tiêu. Lúc lên rừng nó mới học xong lớp đệ lục, vậy mà cái thằng thiệt giỏi, cái gì khó cũng mày mò làm cho bằng được. Muốn làm bia nó lấy nước luộc bắp cho vào một ít đường, một ít men. Xong đóng chai rồi đem ngâm dưới suối. Mấy ngày sau vớt lên uống ngon hơn bia Con Cọp. Cũng vì cái vụ bia mà nó làm tổ cảnh vệ một phen hoảng vía. Đang trên đường đi công tác thì ba lô trên lưng 3 cảnh vệ bỗng dưng phát nổ. Sau phút hoảng hốt, tỉnh hồn mới thấy ba lô anh nào cũng ướt mèm và tỏa mùi thơm ngạt ngào của bia nước bắp. Sau mới biết thằng Đền đựng bia trong chai thủy tinh có đáy hình vuông và chữ nhật, khi di chuyển thì bia dễ nổ. Phải đựng trong chai thủy tinh có đáy hình tròn và tốt nhất là nên đựng trong chai nhựa. Khi biết được điều này, thằng Đền cười hề hề: “Kể từ nay con đựng luôn trong can nhựa 5 lít nghen chú Tư? Có đi đâu để con với thằng Hướng khiêng cũng được!”. Tội nghiệp, trong hai cơ quan huyện ủy và huyện đội, anh em đặt thằng Đền và thằng Hướng là hai con bò nghé mà là hai con bò nghé biết cày…
Bỗng ríu rít tiếng chim vọng ra từ trong vòm lá xanh ngắt. Tiếng chim trong vắt, thanh thoát và tự nhiên như chưa hề có bất cứ sự lo toan nào. Có lẽ nãy giờ nghe tiếng nổ nên lũ chim trốn biệt? Bình yên trong mùa xuân này thật đáng quý, mùa xuân của hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng cũng đừng lạc quan tếu! Chú Tư Mên nghĩ thế và đứng dậy bước ra nhìn vòm cây giăng đầy tiếng nhạc của chim rừng.
- Ủa, xong rồi đó hả? Sao, có “mát mặt” không? Chú Tư hỏi đùa thằng
Đền vừa ở trạm xá về, mặt trơn láng, bóng lưỡng.
- Dạ…dạ, nhờ…nhờ mỡ trăn nên cũng mát! Đền ngập ngừng hơi thẹn.
- Sao, trứng gì mà nổ to vậy? Trứng ngỗng, trứng đà điểu, trứng trăn hay trứng rồng? Chú Tư cao giọng và nhấn mạnh hai chữ “trứng rồng”!
Chú Tư nhìn thẳng vào mắt thằng Đền, và như có thần uy phóng ra từ nhãn lực ấy, thằng Đền quíu lưỡi lắp bắp lặp lại chữ cuối y như trẻ con trả lời câu hỏi khi người lớn giận: “Dạ, trứng rồng! Dạ, không phải trứng rồng, mà…mà lon sữa!”.
Thì ra, tiếng nổ khi nãy là tiếng nổ của lon sữa Ông Thọ. Thằng Đền đã đút lon sữa vô lửa than trong lò để nướng. Sữa ăn sống hoặc khuấy uống thì mau ngán. Muốn để dành ăn lâu người ta luộc sữa cho đặc lại rồi nướng nó mới thơm. Trước lúc nướng phải đập móp lon sữa, khi nướng thì chỗ móp phồng lên là vừa. Thằng Đền không biết chi tiết ấy, vừa luộc xong trứng vịt và lon sữa, đã vội nướng ngay! Và lon sữa nổ!
Chiều hôm ấy, anh em trong cơ quan huyện ủy và huyện đội đi xuống cơ sở về nghe chuyện, ai có sữa cũng đem cho cu Đền một hộp.
Chú Tư Mên cười chúm chím nhìn mông lung ra con suối nhỏ, lác đác hai bên bờ vài cội mai vàng đã nở.