Từ hướng đi đúng
Năm 18 tuổi, bà Xuyện tham gia cách mạng tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1984, bà cùng chồng và 3 người con trai đến xã Định Hiệp lập nghiệp. Ban đầu bà xin vào làm công nhân cạo mủ của Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng). Thời điểm đó, vào buổi sáng bà đi cạo mủ cao su cho nông trường, hết giờ bà cùng chồng khai hoang được 6 sào đất trồng khoai lang, khoai mì để trang trải cuộc sống. Năm 1996, chồng bà qua đời vì một cơn bạo bệnh, gánh nặng gia đình đổ lên vai bà, có những bữa cơm phải độn thêm khoai lang, khoai mì mới đủ no.
Khó khăn là vậy, nhưng bà Xuyện luôn ấp ủ ý chí vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Bà chịu khó tìm tòi học hỏi qua sách báo về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Sau đó bà quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cây mì, khoai lang sang trồng cao su, chăn nuôi gà, vịt phù hợp với xu thế chung tại địa phương thời điểm đó.
Từ 6 sào đất ban đầu, đến nay bà đã mở rộng và trồng được 5 ha cao su đang cho khai thác. Bên cạnh đó, bà còn trồng gần 3 ha rau màu các loại xen canh trên đất trồng cao su, đất trống, gồm các loại như mướp, bí đỏ, bí xanh, các loại đậu, củ tầm tinh, khoai mỡ, khoai môn, khoai lang, rau kèo nèo…
Giải quyết việc làm cho nhiều lao động
Điều đáng nói, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng cao su kết hợp trồng rau màu của bà Xuyện còn giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động ở huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên và cả TP.Hồ Chí Minh. Gần 3 ha rau màu của bà do số lao động này chăm sóc, thu hoạch rồi mang ra chợ, các khu công nghiệp bán hoặc tiêu thụ tại vườn; lương bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng.
Bà Mai Thị Hẹ, ở huyện Bắc Tân Uyên đều đặn mỗi tuần 2 lần đến đây chăm sóc, thu hoạch rau một lần. Bà chia sẻ từ ngày đến đây làm việc bà được học hỏi nhiều về kỹ thuật trồng trọt, kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, giúp cuộc sống của bà dần ổn định hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Ba thì tâm tình, bà Xuyện là ân nhân của gia đình bà. Bà Ba từ Quảng Ngãi vào miền Nam mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, bán vé số nay đây mai đó. Từ khi gặp bà Xuyện, được bà giới thiệu cách thức làm kinh tế và hỗ trợ tiền xây dựng 1 căn nhà ở ổn định tại ấp Hiệp Lộc, cuộc sống của gia đình bà nay đã ổn định. Suốt hơn 20 năm nay, bà đã theo bà Xuyện để học hỏi cách làm ăn, rồi sau đó về nhà bà hướng dẫn lại cho con cháu để có hướng làm kinh tế gia đình hiệu quả.
Bằng cách làm hiệu quả, với 5 ha cao su kết hợp trồng rau màu, hiện nay bình quân mỗi tháng bà Xuyện có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. 3 người con của bà đã trưởng thành, có gia đình ổn định, cuộc sống khá giả.
Những năm qua, ngoài công việc chuyên môn hàng ngày, bà Xuyện còn hướng dẫn cho các chị em làm việc ở đây cách trồng, chăm sóc các loại rau màu. Dũng cảm trong kháng chiến, sáng tạo trong thời bình, bà Hoàng Thị Xuyện là tấm gương hội viên Hội Cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương. Bà đã biết nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Mai Đức Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định Hiệp, cho biết bên cạnh sản xuất kinh doanh giỏi, bà Hoàng Thị Xuyện còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Bà Xuyện đã có nhiều đóng góp công sức, tiền bạc cho các hoạt động tại địa phương, như đóng góp cho Quỹ hỗ trợ nông dân, tặng quà cho trẻ em nghèo, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới...