Chuyện ghi ở Lái Thiêu
Hôm nay, trở lại Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An) những dấu tích cũ ghi dấu một thời bom đạn không còn nhiều. Những quá khứ đau thương, những hố bom... năm xưa nay đã được thay thế bằng nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị sầm uất… Nhưng với những ai từng gắn bó, vào sinh ra tử với nơi này thì ký ức về một thời máu lửa vẫn mãi không bao giờ quên.
Bằng một giọng trầm tư, bà Lê Thị Kim Liên, nguyên Phó Bí thư Thường trực TX.Thuận An, từng là chiến sĩ của Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu, cho biết Lái Thiêu là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bởi Lái Thiêu khi đó có địa thế là vùng đồi gò với diện tích rừng khoảng 300 ha, gồm rừng Cò Mi và các lõm rừng đan xen; phía Tây giáp sông Sài Gòn liên hoàn với vùng Gia Định, tạo lợi thế làm chỗ dựa cho các lực lượng vũ trang cách mạng chống kẻ thù xâm lược. Đồng thời, Lái Thiêu nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn là bàn đạp để lực lượng vũ trang của ta tấn công vào cơ quan đầu não, các căn cứ quân sự lớn của địch ở Thủ Dầu Một, Dĩ An và Sài Gòn. Để đối phó, địch tập trung các đơn vị chủ lực và bộ máy kìm kẹp rất gắt gao. Vì vậy trong hai cuộc chiến tranh, Lái Thiêu luôn là một chiến trường tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Nơi đây diễn ra nhiều trận đánh có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Nam bộ; trong đó có sự đóng góp của Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu. Tuy tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11-1967 đến tháng 6-1969, nhưng trung đội đã tạo tiếng vang lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng quân và dân địa phương góp phần với cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo lời kể của bà Trần Thị Lê, chiến sĩ Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu, để chuẩn bị cho Mậu Thân 1968, tại Lái Thiêu, lực lượng vũ trang từ huyện đến du kích xã đã khẩn trương kiện toàn tổ chức biên chế, bổ sung quân số và trang bị vũ khí cho cả đơn vị chiến đấu và cơ quan, đơn vị phục vụ phía sau. Trong bối cảnh đó, tháng 11-1967, tại Căn cứ bàu Le Le (xã Bình Mỹ), Đội Nữ pháo binh được thành lập do đồng chí Lê Thị Trung làm Trung đội trưởng, đồng chí Năm Huệ làm Trung đội phó. Lúc bấy giờ toàn đội có 21 cán bộ, chiến sĩ được trang bị vũ khí gồm một ĐK75, 2 cối 82 ly, hai cối 60 ly.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra. Tại Lái Thiêu, phối hợp với chiến trường trong tỉnh, ngày 31-1-1968 (tức mùng 2 Tết Mậu Thân), tiếng súng tấn công nổ vang khắp mặt trận. Trung đội Nữ pháo binh cùng với Đại đội 63 địa phương chiến đấu dọc đường 13 và làm chủ một quãng đường từ Bình Nhâm đến An Thạnh. Khi đó, tiếng vang về Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu càng làm cho địch hoang mang, lúng túng. Sáng ngày 1-2-1968 (mùng 3 Tết), tại khu vực Suối Đờn, ấp Bình Hòa, Trung đội Nữ pháo binh cùng Đại đội 63, bộ đội địa phương huyện do đồng chí Trần Văn Châu (Năm Châu), Huyện đội trưởng chỉ huy đánh một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh ngụy từ Lái Thiêu đi càn quét nhằm giải tỏa đoạn đường 13 đang bị ta chiếm giữ. Bộ đội, du kích lấy Suối Đờn lập tuyến chiến đấu đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ sáng tới chiều. Đến 17 giờ, địch cho máy bay trực thăng lên bắn phá chi viện cho tiểu đoàn này rút về Lái Thiêu. Tuy không tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch và làm chủ các mục tiêu nhưng Đội Nữ pháo binh cùng Đại đội 63, bộ đội địa phương huyện đã đánh tiêu hao một phần lớn sinh lực địch, diệt và làm bị thương hàng chục tên, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ hành lang phía sau cho Sư đoàn 7 chủ lực Miền.
Bước vào đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tại chiến trường Lái Thiêu đã diễn ra những trận đánh ác liệt trên các địa bàn An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Nhâm, An Sơn, Thuận An Hòa… Để căng địch ra, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, Ban Chỉ huy Huyện đội Lái Thiêu sử dụng Trung đội Nữ pháo binh tổ chức những trận pháo kích (súng cối 82 ly và 60 ly) khống chế địch đóng chốt Gò Chùa (xã An Thạnh), căn cứ dã ngoại của lực lượng Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh ngụy tại Vườn Thơm, ngã ba Cây Mít (xã An Sơn); pháo kích Chi khu quân sự Lái Thiêu, bót Dốc Dài, bót ngã năm Chòm Sao, chùa Hưng Lộc (xã Hưng Định)… loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên và gây cho địch nhiều thiệt hại.
Nhớ mãi thời thanh xuân rực lửa
“Tháng năm măng cụt chín rồi/Về lại An Quới thăm vườn măng xanh/Đìu hiu, vắng ngắt, buồn tanh/Nhớ Trung đội Nữ pháo binh anh hùng”… Những người con gái năm xưa nay có dịp trở lại bờ sông Sài Gòn, nơi mà họ đã từng thuộc lòng từng lối mòn và cả dáng hình cây cỏ, bao kỷ niệm lại tràn về. Dù đã hơn 50 năm trôi qua, bà Trần Thị Lê vẫn không sao quên được ký ức về dòng sông Sài Gòn thơ mộng nhưng quá đỗi ác liệt. Bà kể lại, cuối tháng 7-1968, khi Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu đang nghỉ tại An Sơn để chuẩn bị sáng hôm sau phối hợp cùng Tiểu đoàn Phú Lợi pháo kích Chi khu Lái Thiêu thì khoảng 11 giờ đêm, tiếng máy bay rền vang, hạ thấp xuống bắn rốc-két khu vực này. Đợt thứ hai, máy bay bắn ngay xuống đội hình của Trung đội Nữ pháo binh. Các đồng chí Hòa, Hồng, Linh, Út Lót, Do và Huệ (nhỏ) hy sinh. Sau đợt này, Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu gần như tan rã. Bản thân bà cũng bị thương được đưa về điều trị ở Phân khu I.
Từ cuối 1968, huyện Lái Thiêu được coi là địa bàn trọng điểm bình định của địch. Vì vậy, địch đưa một đại đội lính Mỹ đóng chốt tại Hố Đá (Tân Phước), một đại đội Mỹ khác đóng chốt ở đường Nhà Thờ và một chốt tại xã An Phú ngày đêm phục kích chốt chận đường giao thông tiếp vận của ta từ Châu Thành đến Lái Thiêu. Tiếp đó, địch đưa hai tiểu đoàn của Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 hoạt động ở An Sơn, An Thạnh, Thuận Giao và 7 đoàn bình định (mỗi đoàn có từ 35 - 40 tên) được bố trí trên các xã trọng điểm của huyện để thực hiện chương trình bình định gom dân, củng cố bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, nhằm đánh bật lực lượng vũ trang ta ra khỏi địa bàn và triệt phá cơ sở cách mạng. Với các biện pháp đánh phá bằng bom đạn, càn quét, ủi phá địa hình, gom dân trở lại các ấp chiến lược mà chúng gọi là “bình định cấp tốc”, Mỹ - ngụy gây cho ta nhiều khó khăn, thực lực cách mạng ở các xã, huyện đều bị tổn thất nặng nề, hàng loạt cơ sở bị tan rã.
Trước những thủ đoạn chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Lái Thiêu bước vào một giai đoạn chiến đấu mới đầy thử thách, gay go phức tạp. Trong bối cảnh đó, Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu tiếp tục được bổ sung, xây dựng lại lực lượng. Bà Nguyễn Thị Nhạn, một chiến sĩ Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu, nhớ lại: “Điều kiện ăn ở của chị em khi đó rất khó khăn nhưng tất cả đều nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, giữ nghiêm kỷ luật, giữ vững tinh thần chiến đấu trong những tình huống khó khăn nhất. Mỗi lần địch càn quét, chị em phải bơi qua bờ bên kia trú ẩn. Còn hầm bí mật thì nhiều hôm nước dâng lên tận cổ. Nhưng điều đau xót là vào ngày 22-6-1969, Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu về Thạnh Quý (An Thạnh) trú ẩn ở hầm bí mật thì bị địch phát hiện dấu vết. Chúng tấn công dữ dội. Đợt này 5 chị bị bắt, tù đày...”.
“…Hãy gọi các chị là những anh hùng/Mười tám xuân xanh đi tòng quân giết giặc/Trút xuống quân thù những quả đạn hờn căm/Bờ sông Bà Lụa còn đây xương thịt/Hằn sâu vết đạn thù của mấy mươi năm…”. Những câu thơ này do chính các chiến sĩ của Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu năm xưa sáng tác. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để nói lên sự gan dạ, sẵn sàng hy sinh của Trung đội Nữ pháo binh Lái Thiêu anh hùng.