(QK7 Online) - Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, một nữ biệt động kiên trung và là nhà giáo tận tụy, là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm. Ký ức về đồng chí Bạch Cát là nguồn cảm hứng cho các thế hệ hôm nay trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà giáo tận tụy
Đồng chí Lê Thị Bạch Cát, bí danh “Sáu Xuân”, sinh ngày 10/10/1940, tại làng Mai Bảng, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Đồng chí là con út trong một gia đình nhà nho có 5 anh em. Từ nhỏ, đồng chí Bạch Cát đã thể hiện sự thông minh, hiền hậu và đặc biệt là ý chí nghị lực mạnh mẽ. Gia đình đã tạo điều kiện cho đồng chí Bạch Cát được học hành chu đáo. Trong môi trường giáo dục, đồng chí không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn hình thành những giá trị đạo đức vững bền. Những năm tháng tuổi thơ đầy gian khó đã rèn giũa nên một tâm hồn nhạy cảm và một trái tim yêu nước, khát khao cống hiến cho quê hương.
Lớn lên cũng giống như biết bao người con xứ Nghệ, sớm thấy cảnh trẻ em “khát chữ” đã thôi thúc đồng chí Bạch Cát đến với nghề sư phạm. Năm 1958, đồng chí Bạch Cát thi đậu vào Trường Sư phạm Thể thao Trung ương. Trong quá trình học tập và rèn luyện với những thành tích xuất sắc đã đạt được, đồng chí Bạch Cát được giữ lại làm giảng viên. Đồng chí là giáo viên thế hệ đầu của Trường Phổ thông cấp 1 xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm học 1960 – 1961 là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh và Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Tháng 2/1962 được điều động làm cán bộ giảng viên tại Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương (nay là Trường Thể dục Thể thao Bắc Ninh). Năm học 1962 – 1963, đồng chí được chuyển đến giảng dạy hệ bồi dưỡng giáo viên tại Trường Cán bộ Thể dục Thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội). Đồng Chí Lê Thị Bạch Cát đã có nhiều đóng góp cho hoạt động giáo dục của nước nhà và cũng là một trong những giáo viên đặt viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục thể chất.
Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát (ngoài cùng, bên trái) trước khi tham gia cách mạng ở miền Nam (ảnh: tư liệu)
Giác ngộ cách mạng từ sớm
Giảng dạy và hoạt động trong những năm tháng mà đất nước đang sục sôi khí thế lao động học tập và chống Mỹ ở giai đoạn quyết liệt nhất. Thanh niên miền Bắc đang thực hiện phong trào “3 sẵn sàng”, xung phong vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”, tinh thần yêu nước cách mạng đã thôi thúc người giảng viên, đảng viên trẻ Lê Thị Bạch Cát viết một bức tâm thư gửi đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ với quyết tâm đi vào Nam để được sát cánh cùng đồng bào chống giặc. Bức tâm thư khẳng khái: “Em đi trả nghĩa để thầy/ Cầm viên phấn dắt dìu bầy em sau".
Ngày 28/9/1964, nữ giảng viên Lê Thị Bạch Cát nhập ngũ, gia nhập đội hình lớp luyện quân đặc biệt, mật danh K33. Sau ba tháng luyện quân, vào ngày 22/12/1964, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã cùng với trên 200 cán bộ, trong đó có 11 nữ đã lên đường vào miền Nam chiến đấu. Sau 86 ngày đêm trèo đèo, vượt suối, bằng rừng, đoàn K33 có mặt tại căn cứ chiến đấu của Trung ương Cục Miền Nam. Bấy giờ, cái tên Lê Thị Bạch Cát đã gửi lại đất Bắc và chị mang biệt danh Lê Liên Xuân.
Hồ sơ, kỷ vật của nữ liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (ảnh: tư liệu)
Nữ biệt động kiên trung
Trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Thị Bạch Cát luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tại chiến khu Tây Nam Bến Cát tỉnh Bình Dương tháng 7 – 12/1965, đồng chí đã tiếp nhận, cảm hóa, thu phục và giác ngộ được một số đối tượng lớn là sinh viên, trí thức đứng về phía cách mạng, góp phần vào công tác tuyên truyền vận động Nhân dân đứng lên chống giặc Mỹ xâm lược.
Trên mặt trận Đà Lạt từ tháng 12/1965 – 6/1966, đã móc nối thành công với cơ sở cách mạng bí mật 36/Sào Nam và số 5/ấp Nghệ Tĩnh trực tiếp chỉ đạo, thành lập Hội “Nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ”; đề xuất phương án chuyển những cuộc đấu tranh riêng lẻ “kêu gọi, hưởng ứng” thành phong trào “đấu tranh chính trị” sâu rộng. Tổ chức đòi quân Mỹ rút toàn bộ binh lính về nước không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Kết quả đã tạo ra cuộc biểu tình ngày 29/3 diễn ra tại trung tâm chợ Hòa Bình với trên 5.000 sinh viên, học sinh, tiểu thương, công nhân và Nhân dân tham gia. Chiếm giữ Đài Phát thanh Đà Lạt từ sáng 30/3 – 4/4/1966. Trong thời gian công tác tại Đà Lạt, đồng chí đã cùng với đồng đội của mình phát triển được 140 cơ sở cách mạng bí mật, 10 du kích mật gây dựng “lõm” chính trị (căn cứ lòng dân) tại thung lũng Xuân Sơn, Xuân Hòa, Tây Hồ, Tân Tạo,... làm cho phong trào cách mạng lan tỏa từ trung tâm thành phố Đà Lạt ra các vùng nông thôn.
Tại mặt trận Sài Gòn, trên cương vị là điệp viên, đồng chí Bạch Cát đã làm rất nhiều nghề khác nhau như: thợ may, công nhân, thu dọn bao bì vỏ hộp ở nhà máy phân xưởng, người bán rau ở chợ cầu Ông Lãnh, cầu Muối, chợ Bến Thành và chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định. Nhờ đó đã gây dựng được 12 cơ sở bí mật đầu mối tại 3 quận nội đô Sài Gòn.
Tháng 11/1967, đồng chí được Khu ủy Sài Gòn Gia Định phân công làm Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn, Bí thư Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4 (nay là quận 1, TPHCM). Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng với đồng đội xây dựng lực lượng, vận chuyển, tập kết vũ khí đạn dược. Khi hiệu lệnh tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đã điểm, đồng chí trực tiếp chỉ đạo chi bộ Võ trang phát động Nhân dân nổi dậy chiến đấu tấn công vào các khu vực Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, bến Chương Dương, Bến Vân Đồn,…
Kết thúc đợt 1 đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, tổ chức treo cờ giải phóng từ 23h đêm ngày mùng 1 đến 3h sáng ngày mùng 2 tết Mậu Thân năm 1968 tại số nhà 225 hẻm Hiệp Thành, bến Vân Đồn. Trong đợt 2, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy tiền phương là “không trông chờ, không ỷ lại ngoại biên, tiến công khởi nghĩa chiếm lĩnh đường phố” đồng chí Bạch Cát đã triển khai lực lượng trấn áp, tổ chức truy bắt sĩ quan, binh sĩ an ninh, cảnh sát khu vực của địch tại hẻm 83/2 đường Đề Thám, phường Cô Giang Quận 1 TPHCM. Trung đội do đồng chí Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã kiên cường chiến đấu, đẩy lui nhiều đợt tiến công của một tiểu đoàn địch. Xong do chênh lệch quá lớn về lực lượng và vũ khí so với địch nên trung đội do đồng chí Bạch Cát lãnh đạo đã có nhiều thương vong, không thể tiếp tục đối đầu với quân địch.
Gia đình liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 18/12/2024.
Đứng trước những khó khăn nêu trên nhưng với sự mưu trí sáng tạo và bản lĩnh dám hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng của một người lãnh đạo chỉ huy, đồng chí Bạch Cát đã yêu cầu đồng đội trao lại cho mình quả lựu đạn và ra lệnh cho các đội viên rút lui để bảo toàn lực lượng, còn mình thì ở lại cản địch. Cho dù vết thương rất nặng, máu ra nhiều nhưng đồng chí Bạch Cát vẫn cố gắng dùng từng trái lựu đạn ném trả và dùng súng AK bắn thu hút quân dịch về phía mình. Giằng co chiến đấu đến khi hết đạn, địch lao lên và bắt sống đồng chí Lê Thị Bạch Cát. Thay lời đáp trả, đồng chí Bạch Cát đã dùng trái lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên địch trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 5/5/1968.
Ở tuổi 28, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đã ngã xuống trên mảnh đất Sài Gòn. Tấm gương anh dũng của nữ đội trưởng đội biệt động Sài Gòn đã truyền cảm hứng cách mạng cho đồng đội, đồng chí, đồng bào cả hai miền Nam Bắc. Cảm phục và tri ân sâu sắc, Đảng bộ và chính quyền Nhân dân TPHCM đã lập bia dựng tích để tưởng nhớ đồng chí Lê Thị Bạch Cát tại hẻm 83/2 Đề Thám; lập bàn thờ ở Đình Nhơn Hòa (Quận 1); đặt tên Lê Thị Bạch Cát cho 1 con đường và một trường THCS. Ngày 18/12/2024 đồng chí Lê Thị Bạch Cát được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân.
Hằng Ny