Ý tưởng từ thành công của quá khứ
Vào cuối những năm 1960, cả Không quân Mỹ và Liên Xô nhận ra rằng, việc chạy đua phát triển các loại máy bay chiến đấu phản lực siêu âm đã để lại một khoảng trống trong chế tạo máy bay cường kích có cánh cố định (close air support - CAS), có nhiệm vụ chi viện không quân trực tiếp cho lực lượng chiến đấu trên mặt đất.
Trong Thế chiến 2, Liên Xô rất thành công khi sử dụng loại máy bay cường kích tấn công mặt đất Ilyushin IL-2 “Sturmovik”, để chi viện cho các lực lượng bộ binh và xe tăng, chiến đấu với quân đội Đức phát xít; từ thành công này, các tướng lĩnh quân đội Liên Xô muốn tiếp tục phát triển một mẫu máy bay chiến đấu kiểu mới, để chi viện cho các lực lượng chiến đấu mặt đất.
Máy bay cường kích Su-25
Máy bay cường kích thành công nhất trong thời kỳ chiến tranh Lạnh
Su-25 là máy bay cường kích, cánh rộng với hai động cơ; đây là chiếc máy bay chi viện mặt đất tầm gần, nên buồng lái được được bảo vệ bởi một lớp vỏ bằng titan dày 24 mm, các kỹ sư Liên Xô tính toán với lớp vỏ bảo vệ như vậy, buồng lái có thể chống lại được đạn xuyên thép đến 30 mm; ngoài lớp titan ra, buồng lái và một số bộ phận thiết yếu khác còn được bọc thêm một lớp thép không gỉ để bảo vệ phi công và máy bay; máy bay được trang bị một ghế phóng dù K-36L Zvezda dùng cho trường hợp khẩn cấp.
Trọng lượng rỗng của Su-25 là 10.740kg, trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 17.600kg; máy bay được trang bị hai động cơ phản lực turbin Soyuz/ Gavrilov R-195 cho tốc độ tối đa của máy bay là 950km/h, vận tốc leo cao có thể đến 58m/s. Bán kính chiến đấu của máy bay lần lượt là 375km và 750 km (khi dùng thùng nhiên liệu phụ), trần bay cao tối đa là 7.000 m.
Su-25 bung dù giảm tốc khi hạ cánh đường băng ngắn
Là một máy bay chiến đấu tầm thấp, nên bình nhiên liệu của máy bay có cấu tạo đặc biệt, được lót bằng bọt polyurethane để ngăn chặn các vụ nổ và tự bịt kín khi trúng đạn của đối phương. Hai bình nhiên liệu có dung tích 3.600 lít và có thể tăng thêm bằng 2 thùng nhiên liệu phụ bên ngoài PTB-1500, được treo dưới cánh.
Với nhiệm vụ chính là chi viện cho các lực lượng chiến đấu mặt đất, nên cánh Su-25 có mười mấu treo vũ khí đối không và đối đất cho các nhiệm vụ.
Tên lửa không đối đất bao gồm Kh-23, Kh-25ML và Kh-29; trong đó tên lửa Kh-23 là loại tên lửa không đối đất chiến thuật, có tầm bắn 10 km, dẫn đường bằng vô tuyến, được sử dụng tấn công các mục tiêu và các nhóm tác chiến nhỏ trên mặt đất, trên biển. Tên lửa Kh-25ML là bản nâng cấp của tên lửa Kh-23 nhưng được dẫn đường bằng laser; còn tên lửa Kh-29 là loại chống hạm, có đầu đạn nặng tới 320 kg.
Su-25 còn được trang bị các loại các loại rocket không điều khiển cỡ 57 và 80 mm; rocket có điều khiển S-24 cỡ 240mm và S-25 cỡ 330 mm.
Ngoài tên lửa, Su-25 còn trang bị bom có điều khiển bằng laser loại 350 kg và 670kg, bom cháy 500kg và bom chùm.
Máy bay Su-25 còn được trang bị pháo 2 nòng 30 mm GSh-2-30; được lắp ở phía trước, dưới mũi máy bay, cơ số đạn là 260 viên; tốc độ bắn 800 viên/ phút.
Bom, rocket và đạn pháo 30 mm của Su-25.
Về vũ khí phòng thủ, Su-25 được trang bị 2 tên lửa tầm ngắn hồng ngoại R-60, (tương đương của Sidewinder AIM-9 của Mỹ); do Su-25 hoàn toàn không được coi là máy bay đánh chặn, nên tên lửa loại này chỉ để tự vệ, hoặc chống lại trực thăng bay chậm mà thôi. Bên cạnh đó, chiếc máy bay này được trang bị tới 256 pháo sáng để thu hút những tên lửa hồng ngoại hoặc radar dẫn đường; kinh nghiệm trong cuộc chiến ở Afghanistan cho thấy, với số pháo sáng này, máy bay có thể ngăn chặn 8 cuộc tấn công bằng tên lửa tầm nhiệt.
Một chiếc Su-25 thực hành phóng tên lửa
Năm 1980, hai chiếc máy bay Su-25 thử nghiệm đã được gửi đến Afghanistan, để hỗ trợ lực lượng mặt đất của Liên Xô trong cuộc chiến chống lại lực lượng du kích mujahideen; sau đó, một số lượng lớn máy bay loại này đã được đưa tới đây để hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng quân đội Liên Xô và Afghanistan trong chín năm Liên Xô tham chiến tại đây.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, những chiếc Su-25 không chỉ đảm nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu mặt đất, Su-25 còn là máy bay ném bom, trinh sát của quân đội Liên Xô. Trong vòng 8 năm tham chiến tại Afghanistan, Su-25 đã thực hiện gần 60 nghìn lần xuất kích chiến đấu nhưng chỉ bị tổn thất tổng cộng 23 chiếc vì các lý do (trung bình 2.800 giờ bay mỗi chiếc), nhưng nhiều nhất là do trục trặc về động cơ. Từ kinh nghiệm của chiến trường Afghanistan, các nhà thiết kế Nga đã cải tiến hệ thống chữa cháy, có thể bơm khí freon vào một trong hai khoang động cơ, làm giảm nguy cơ cháy nổ của loại máy bay này.
Tổng kết các phi vụ tham chiến của Su-25 ở Afghanistan, không một chiếc Su-25 nào bị rơi vì nổ bình xăng hay phi công thiệt mạng ở trên không; đây là một kỷ lục mà không có loại máy bay của lực lượng không quân tiêm kích và cường kích nào ở Liên Xô và trên thế giới đạt được những chỉ số này.
Không chỉ tham chiến tại chiến trường Afghanistan; trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, những chiếc Su-25 của Hồng quân Liên Xô đã sẵn sàng hỗ trợ cho cuộc chiến tổng lực với khối NATO.
Máy bay Su-25 tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc sản xuất Su-25 chấm dứt; nhà máy ở Georgia, nơi chế tạo loại Su-25 một chỗ ngồi không thể tìm thấy khách hàng cho chiếc máy bay của họ; nhưng nhà máy chế tạo phiên bản Su-25 hai chỗ ngồi tại Nga vẫn tiếp tục chế tạo, nhưng với số lượng hạn chế.
Hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ và thuộc Khối hiệp ước Warsaw đều có loại máy bay này trong biên chế, nhưng Nga vẫn là quốc gia sở hữu nhiều nhất loại máy bay này với khoảng 200 chiếc trong lực lượng không quân và một số lượng nhỏ do Hải quân Nga khai thác trên tàu sân bay Kuznetsov.
Su-25 có thể sẽ tiếp tục phục vụ lực lượng Nga trong một thời gian dài nữa; do khủng hoảng về kinh tế, nên ngân sách quốc phòng của Nga trong những năm qua đã bị cắt giảm; vì vậy, chương trình thay thế những chiếc Su-25 bằng những chiếc Su-34 hiện đại hơn chưa thể tiến hành ở quy mô lớn.
Từ những lý do trên, những chiếc Su-25 vẫn tiếp tục được không quân Nga sử dụng và hiện đại hóa, phiên bản hiện đại hóa mới nhất là Su-25SM3; những máy bay được nâng cấp có thể được khai thác ít nhất tới giữa những năm 2030; và trong cuộc chiến tại Syria, Su-25 vẫn là máy bay cường kích chủ lực của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại đây./.