Tôi và Nguyễn Huy Hiệu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hải Long (rồng biển) anh hùng. Thuở nhỏ, chúng tôi thường rủ nhau thả diều, đánh đáo, đánh khăng, chơi cù, câu cá, câu ếch và chơi “Ô lỗ miến - Hết quân, toàn dân thu quân kéo về”. Nhưng thích nhất vẫn là trò chơi đánh trận giả với súng nứa quay. Nguyễn Huy Hiệu thích nhận vị trí chỉ huy một bên, thế trận rất sắc sảo. Khi vào tuổi 15- 17, mùa hè chúng tôi cùng nhau dàn trận úp cá sông. Chọn một khúc sông nhiều cá, dài khoảng 300 - 400m, chia thành 2 tốp, dàn hàng ngang trên sông, mỗi người một “cụp” gọng tre uốn cong, mắc lưới vào 4 đầu gọng, kéo núm giữa lưới lên đỉnh “cụp”. Cứ thế, úp từ hai đầu khúc sông tiến khép lại đến khi 2 tốp gặp nhau, cá mắc lưới là lặn xuống bắt. Cởi trần úp cá, lặn bắt cá cả ngày, mắt đỏ hoe, bị cháy nắng lột cả da lưng. Những ký ức tuổi thơ ấy, nên chúng tôi đã trở thành đôi bạn chí cốt từ thời tóc còn để chỏm.
Tướng Nguyễn Huy Hiệu (chính giữa) cùng ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính"
Ngày 20/0-2-1965, hai chúng tôi cùng 13 chàng trai Hải Long lên đường nhập ngũ cùng với trên 100 chàng trai của 8 xã trong huyện. Chúng tôi cùng nhập ngũ ngày đầu vào Trung đoàn 812 thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4, đóng quân và huấn luyện tại doanh trại Nghi Khánh, Nghi Lộc, Nghệ An. Hiệu đẹp trai, trắng trẻo, thông minh, nhanh nhẹn đầy tố chất, nên những ngày đầu đã được các thủ trưởng để ý. Nguyễn Huy Hiệu được điều động về tiểu đoàn, với công việc, hàng ngày tiếp xúc với lãnh đạo chỉ huy tiểu đoàn - toàn những người giỏi như tiểu đoàn trưởng Đán, tham mưu trưởng Uông… Khi diễn tập cấp đại đội, tiểu đoàn đều có sơ đồ diễn tập trình duyệt, tham mưu trưởng thuyết minh phương án tác chiến, xử lý các tình huống như đánh trận thật. Đây là sở thích nhất của Nguyễn Huy Hiệu từ thuở nhỏ, nay là binh nghiệp, thấy cách bày binh bố trận ấy, Hiệu đã nhập tâm rất nhanh. Và có lẽ từ những tâm thức ấy mà Nguyễn Huy Hiệu khi cầm quân chỉ huy vào trận đánh, đánh trận nào là thắng trận ấy. Từ trung đội trưởng - chỉ huy đánh thắng, lên thay đại đội trưởng, chỉ huy đánh thắng giòn giã, từ đại đội trưởng lên tiểu đoàn trưởng chỉ huy sắc sảo hơn, đã từng chỉ huy tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 27) đánh tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch, bắt sống 2 tiểu đoàn trưởng của quân ngụy. Nguyễn Huy Hiệu được phong tặng Anh hùng LLVTND.
Vào thời điểm tháng 5, tháng 6 năm 1965, không lực Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc ác liệt. Đặc biệt là các tỉnh Quân khu 4. Tình hình chiến sự hết sức căng thẳng. Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, âm mưu bình định miền Nam Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh mới của Mỹ. Trước tình thế cực kỳ khó khăn, hiểm nguy đó, phải ngăn chặn ngay, không thể để quân Mỹ thực hiện âm mưu, quân ta phải làm chủ chiến trường. Bộ Chính trị cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm đánh Mỹ xâm lược. Phải tăng cường chi viện bộ đội chủ lực và toàn diện cho miền Nam, kéo quân Mỹ ra gần giới tuyến quân sự để tiêu diệt, để chia lửa với miền Nam. Chính từ đây, chúng tôi phải xé lẻ chia tay nhau đi tăng cường cho các đơn vị vào mở mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5). Thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau chớp nhoáng khi trên đường di chuyển trận địa. Và từ đây với bao trận đánh cực kỳ gian truân: Đầu Mầu, Cam Lộ, Quất Xá, cao điểm 241, 544, đồi Tròn, Bái Sơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Quán Ngang, Đông Hà, La Vang, Ái Tử, thị xã Quảng Trị, Làng Vây, Lao Bảo, Tà Cơn, Khe Sanh, Đường 9, ngã tư Sòng, đường 76, sân bay Phú Lâm, Động Toàn, Động Ông Do, A Sầu, A Lưới, A Bia, động Tranh, Thuận An, Mang Cá, thành Phố Huế, sân bay Phú Bài, Lăng Cô… Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. góp phần giải phóng huyện Hướng Hóa (là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng). Buộc Mỹ phải ngồi đàm phán với Việt Nam tại Pais, phải ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện.
Lúc này, chúng tôi mới có dịp thay nhau nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho trận chiến tiếp nối và có dịp tìm lại nhau xem đồng đội cùng nhập ngũ 20-2-1965, ai còn ai mất. Thật đau lòng, đến tháng 12-1969, Đoàn quân ngày ấy, đã có 17 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí là thương binh, bệnh binh phải xuất ngũ. Tôi nhớ vào mùa mưa năm 1970, anh Nguyễn Huy Hiệu được nghỉ phép đã đưa anh Uông nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812 đầu năm 1965 và anh Hoàng Kỳ (nay là Trung tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cùng nhập ngũ với tôi và anh Hiệu) tìm đến thăm tôi (thương binh hạng 2/4) đang công tác tại Ty lương thực Nam - Hà. Ông trưởng ty Nguyễn Văn Thuần cùng lãnh đạo ty đề nghị anh Hiệu kể chuyện chiến sự tại Quảng Trị. 125 cán bộ, nhân viên ngồi trong hội trường rất ngưỡng mộ nghe anh Hiệu kể về sự ác liệt của chiến trường, sức chịu đựng của đồng bào, đồng chí Quân khu 4 và những chiến công của quân và dân Quảng Trị anh hùng. Cả hội trường lặng im, chỉ có giọng nói diễn đạt của anh Hiệu, và rất nhiều lần những tràng pháo tay dài bùng lên cổ vũ mừng chiến công anh Hiệu kể. Tiễn chân anh Hiệu, anh Hoàng Kỳ lên ga tàu trở lại tuyến lửa anh hùng. Mấy tháng sau, khi đài tiếng nói Việt Nam và các báo đưa tin “Phân đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy phân đội chiến đấu tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy, bắt sống thiếu tá Hà Thúc Mẫn - tiểu đoàn trưởng ngụy”. Lúc đó các phòng ban, anh em cán bộ kéo đến ôm tôi chia sẻ niềm vui chiến công của anh Hiệu. Và khi anh Hiệu cưới vợ, 125 CB, CNV Văn phòng Ty lương thực Nam Hà đã tình nguyện dành cả tiêu chuẩn 1 tháng thuốc lá để tặng anh Hiệu cưới chị Xuân.
Khi anh Nguyễn Huy Hiệu được cử về Bắc học văn hóa tại Lạng Sơn, Tỉnh ủy Nam Hà cử ông Phan Điền - Bí thư Tỉnh ủy lên xin Bộ Quốc phòng để đưa anh Hiệu về làm cán bộ nguồn của Nam Hà nhưng không được chấp nhận.
Học xong chương trình văn hóa, anh Hiệu tiếp tục về Học viện quân sự, được trang bị kiến thức có bài bản, với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, chỉ huy một mũi tiến công “Thần tốc” từ Tam Điệp xuyên Việt qua Lái Thiêu vào Sài Gòn. Trong Chiến dịch tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, anh càng thể hiện tầm chiến thuật, chiến lược trong chỉ huy tác chiến. Nguyễn Huy Hiệu đã chỉ huy đánh 67 trận lớn nhỏ, tham gia 4 chiến dịch lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), chiến dịch Hè 1972, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4-1975). “Người này là anh hùng của những anh hùng!” - Đại tá Lê Hữu Bình - tác giả truyện thơ Thúy Lan đã kể lại lời chính trị viên của đơn vị như thế.
Trong chiến đấu cam go ác liệt, nhưng Nguyễn Huy Hiệu luôn sát cánh cùng đồng đội, đồng cam, cộng khổ, hết lòng thương yêu, chăm lo cho đồng đội, cùng vượt qua khó khăn, giành phần thắng. Trong trận mạc không tránh khỏi thương vong. Đồng đội bị thương, Nguyễn Huy Hiệu đã chỉ đạo cấp cứu kịp thời, liệt sĩ được đưa ra làm thủ tục mai táng chu tất. Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc hy sinh trên đường tiến vào Sài Gòn, anh Hiệu tiếc thương người chỉ huy cấp dưới của mình, đã lệnh cho đơn vị khiêng thi hài đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe tăng và phát động cán bộ chiến sĩ, hãy xông lên tiêu diệt địch trả thù cho đồng đội đã hy sinh.
Hết giặc, Nguyễn Huy Hiệu lại hăng say huấn luyện cho bộ đội, cho đơn vị vững mạnh về mọi mặt, để tăng cường sức chiến đấu, sẵn sàng cơ động khi có lệnh và chăm lo xây dựng doanh trại, chăm lo đời sống, giải quyết các chính sách cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương để giảm đi nỗi đau cho các gia đình chiến sĩ. Tổ chức vào thăm lại chiến trường xưa, những nơi mai táng đồng đội ban đầu, để bàn giao lại sơ đồ vị trí chôn cất đồng đội. Đặc biệt anh Hiệu có trí nhớ tốt, còn nhớ đầy đủ họ, tên, quê quán của liệt sĩ, đã giúp cho rất nhiều gia đình tìm được thi hài liệt sĩ.
Khi anh Hiệu làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, tôi vào thăm mấy lần. Đặc biệt là dịp Hội thao điều khiển xe cút kít (xe một bánh bằng gỗ) chở đất đá làm đường giao thông, Hội thao đóng gạch nung xây dựng doanh trại. Sư đoàn 390 xây dựng hẳn một “làng đồng bằng” phía ngoài doanh trại, (phía tây ngã tư thị trấn Bỉm Sơn) để các gia đình cán bộ, chiến sĩ có nhà ở, yên tâm xây dựng đơn vị lâu dài. Những nghĩa cử ấy của anh Hiệu đáng kính trọng, đầy tính nhân văn.
Sau khi Nguyễn Huy Hiệu được sang Liên Xô học trở về, tiếp tục về Ssư đoàn 390. Năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng (vị tướng trẻ nhất của QĐNDVN lúc bấy giờ), tiếp đó được điều động về làm Tư lệnh Quân đoàn 1, từ Tư lệnh Quân đoàn 1 lên làm Phó Tổng tham mưu trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - phụ trách công tác đối ngoại và nhiều trọng trách quan trọng của quân đội. Đặc biệt, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được phân công phụ trách Viện khoa học nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga của Bộ Quốc phòng, càng có điều kiện nghiên cứu về khoa học để đưa ra các quyết sách đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ bom mìn, chất độc đi-ô-xin, khắc phục hậu quả thiên tai sau bão lũ… Nguyễn Huy Hiệu đã viết 7 cuốn sách tầm cỡ quốc tế. Với học hàm Tiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được nhà nước Nga bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga, là người Việt Nam đầu tiên được nhận vinh dự này. Đã có nhiều bài viết, thước phim tài liệu về “vị tướng với mùa thu vàng”.
Chúng tôi, những người bạn tuổi ấu thơ, những đồng đội từng sát cánh bên chiến hào luôn tự hào về anh: Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu!
Phạm Trung Bính