Cho đến tận bây giờ, chiến tranh đã lùi xa nhưng lời hứa của trận chiến năm ấy cùng những gương mặt của các đồng đội đã hy sinh vẫn luôn văng vẳng bên tai thúc giục cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản, Hội cựu chiến binh Quận 6, TP.HCM lên đường thực hiện di nguyện của người đã mất và cũng là hoàn thành tâm nguyện của bản thân.
Còn sống còn đi tìm đồng đội
Sinh năm 1951, năm 18 tuổi Nguyễn Viết Quản lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn Đặc công 305. Đến năm 1972, ông được điều động vào chiến trường miền Nam chiến đấu tại Tiểu đoàn 18, Đoàn 429 Đặc công miền Đông Nam Bộ. Năm 1973, ông được biên chế vào Đoàn Đặc công Biệt động 367 chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
CCB Nguyễn Viết Quản (giữa) nhận bằng khen của Hội CCB TP.HCM
trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Chỉ vào vết thương ở đầu và mạn sườn, ông Quản cười bảo: “Vết thương ở đầu là do bị sập hầm khi đang trú ẩn còn ở mạn sườn là bị địch bắn trong trận chiến tại tỉnh Kông Pông Chàm năm 1973. Tuy trúng vào chỗ hiểm nhưng may mắn thoát chết để tiếp tục cầm súng chiến đấu cho tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Những vết thương ấy mỗi khi trái gió trở trời vẫn hành ông đau nhức, ấy vậy mà cũng không cản được những bước chân của người thương binh bền bỉ, nhẫn nại đi qua không biết bao nhiêu chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội.
Sau khi nghỉ hưu từ năm 2008 đến nay, ông dành thời gian, công sức, tiền bạc để trở lại những vùng đất nơi đơn vị đóng quân và chiến đấu, lặn lội đến các nghĩa trang để tìm đồng đội. Để có kinh phí thực hiện, ông dành toàn bộ lương hưu và vận động các thành viên trong gia đình bỏ ống heo tiết kiệm với 10% thu nhập hàng tháng.
“Ngày ấy, trong những năm kháng chiến ác liệt, bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Chúng tôi chỉ chôn cất vội nơi rừng sâu, núi thẳm. Lúc đó, tôi tranh thủ vẽ lại sơ đồ, đánh dấu những điểm đồng đội nằm xuống, để một tờ giấy ghi đầy đủ họ tên, quê quán, đơn vị rồi bỏ vào lọ thuốc bixilin chôn cùng đồng đội với mong muốn sau này trở lại đưa các anh về với gia đình, về đúng nơi được Tổ quốc ghi công”, ông Quản xúc động chia sẻ.
Nhưng sau hơn 40 năm, chiến trường xưa bây giờ hoàn toàn đổi khác, cuộc tìm kiếm khó khăn hơn rất nhiều. Những nơi từng là chiến địa ác liệt thì nay đã là đường sá, cầu cống, nhà cửa. Một số phần mộ tại các nghĩa trang bị sai tên, sai họ và chỉ có người cùng đơn vị chiến đấu mới biết nên rất khó để tìm được thông tin chính xác. Bản thân thì tuổi cao sức khỏe yếu dần nên khi còn sức lực, trí nhớ còn minh mẫn, đôi chân còn trèo đèo, lội suối được thì ông càng phải tranh thủ, tận dụng từng phút, chỉ mong sao tìm được nhiều nhất có thể để các đồng đội có cơ hội được về với gia đình. Bởi ông tin rằng, ở đâu đó trên những mảnh đất khác nhau đồng đội vẫn đang chờ ông tìm về.
Đau đáu một nỗi niềm
111 hài cốt liệt sĩ được ông tìm về, trong số đó, 44 hài cốt đã được đưa về quê cha đất tổ. Gia sản lớn nhất mà ông có được là những chiếc tủ lưu giữ hồ sơ đồng đội, những ân tình mà thân nhân liệt sĩ gửi trao và cả những ghi nhận của hệ thống chính trị các cấp. Ông không nhận bất kì sự cảm ơn nào bằng vật chất của thân nhân gia đình liệt sĩ bởi ông xem đó là công việc, nhiệm vụ thiêng liêng mà ông phải thực hiện để giữ trọn vẹn lời hứa với đồng đội.
Đưa chúng tôi xem bức thư của bà Nguyễn Thị Diệu, vợ liệt sĩ Hà Văn Bé được ông đưa hài cốt về quê nhà Hà Tĩnh. Trong thư có viết: “Anh cùng Quản chung một chiến hào/Anh nằm yên nghỉ em gian lao/Bỏ công, bỏ của đi tìm bạn/Công của của em đáng tự hào”. Những lá thư chuyển đi, những lời nghẹn ngào nhận lại, những giọt nước mắt mừng, tủi của gia đình thân nhân liệt sĩ là động lực để người đồng đội năm ấy tiếp tục hành trình của mình.
“So với ngày xưa chiến đấu, sống dưới mưa bom bão đạn thì vất vả này làm sao bằng. Để các anh nằm lạnh lẽo suốt mấy chục năm qua, tôi thấy day dứt lắm. Ngày nào ngoài kia vẫn còn đồng đội, đồng chí chưa được trở về với quê cha, đất mẹ và tôi còn sống, còn sức khỏe thì tôi vẫn đi tìm”, ông Quản nói.