Tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất”, nhất tề nổi dậy đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm bằng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền trong cả nước, thiết lập nên Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, dựng lên một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Chỉ trong vòng 15 ngày, Nhân dân ta đã làm cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị hàng ngàn năm của chế độ phong kiến, gần trăm năm của thực dân Pháp, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, đưa nước ta từ một thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới, Nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, trở thành chủ nhân của đất nước.
Trong thời khắc vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, trước những khó khăn chồng chất, cùng sự phá hoại điên cuồng của thù trong, giặc ngoài, vậy mà mới 15 tuổi, với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng ta đã tập hợp được toàn dân đồng lòng đứng dậy giành chính quyền về tay Nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là thắng lợi của “Bộ tham mưu” biết tạo thế, biết tạo lực, biết chớp thời cơ… song quan trọng nhất vẫn là bài học về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu.
Đó là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của một nước phong kiến nửa thuộc địa, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tập hợp các lực lượng yêu nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thành quả rực rỡ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó cũng là thắng lợi vĩ đại do Ðảng ta dự báo chính xác thời cơ cách mạng; tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, dựa vào lực lượng toàn dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, Ðảng ta kịp thời phát động toàn dân nhất tề vùng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến.
Đó là kết quả của đường lối đúng, song quan trọng hơn là uy tín của Đảng được vun đắp nên bởi đạo đức cách mạng, phẩm chất trong sáng, gương mẫu, đi đầu của mỗi đảng viên. Chỉ 5.000 đảng viên là 5.000 chiến sĩ tiên phong, luôn luôn đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, sẵn sàng nhận gian khổ khó khăn, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình vì cách mạng, vì nhân dân. Họ được đồng bào tuyệt đối tin tưởng.
Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở thành hành trang, thành động lực thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ trong suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược; lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tinh thần và ý chí quật cường của Cách mạng tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ Nhân dân ta đạp bằng mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Ðất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ðồng bào ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Uy tín và vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo không chỉ bằng đường lối đúng, mà còn bằng uy tín của Đảng. Bài học quý báu đó đúng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đúng trong 77 năm qua và sẽ mãi mãi đúng.
Bài học kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, là bài học về xây dựng Đảng cầm quyền được Đảng ta tiếp tục tổng kết, khái quát thành lý luận của Đảng, tạo thành sức mạnh vật chất lãnh đạo dân tộc ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên, chúng ta càng tự hào về Đảng ta bao nhiêu, thì càng không khỏi băn khoăn, lo lắng về một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng thoái hóa, biến chất, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có những suy nghĩ và hành động đi ngược lại bản chất cách mạng trong sáng của người đảng viên. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp… làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.
Thực trạng này một lần nữa được Đảng ta thừa nhận và xem đó như là một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(1). Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp thao túng, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi...
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Tình trạng tham nhũng còn diễn ra ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, người đại diện cho công lý xã hội; tình trạng tham nhũng “vặt” qua nạn hối lộ trong dịch vụ hành chính, dịch vụ công như doanh nghiệp phải “bôi trơn”, “lót tay” để được thuận lợi trong việc làm; đấu thầu, xây dựng vẫn còn hiện tượng phải chung chi phần trăm để được trúng thầu... gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Thậm chí, một số người đã “tự chuyển hóa”, biến chất, móc nối, câu kết với các thế lực thù địch hoạt động chống Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, tán phát các quan điểm sai trái, phản động; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối đổi mới, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và đất nước; hướng lái đất nước đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống và ngăn chặn một cách thực sự hiệu quả những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ; tiếp tục chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, càng đòi hỏi phải áp dụng một cách có hiệu quả các bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thực tiễn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra. Sự nghiệp đổi mới chỉ có thể hoàn thành khi Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, trí tuệ và bản lĩnh, có phương thức lãnh đạo khoa học và thiết thực. Khi phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khi ý Đảng và lòng dân thống nhất, hòa quyện vào nhau, trong đó nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm chuyển biến trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu là một tấm gương trong tổ chức, cộng đồng dân cư nơi mình sinh hoạt, học tập; phải thực sự là người mẫu mực, nói đi đôi với làm, đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân. “Mỗi cán bộ và đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” như lời căn dặn của Bác Hồ trong Di chúc.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9 - Ngày Tết độc lập, trong bối cảnh bên cạnh những điều kiện thuận lợi là cơ bản, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là phải tiếp tục đối phó với dịch Covid-19. Tình hình đó đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân càng nhận thức sâu sắc hơn con đường lý tưởng cách mạng - mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng đại diện cho tinh thần tiến công, cho những gì tiến bộ và tốt đẹp đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc để không dao động, không ngả nghiêng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, phát huy tinh thần và ý chí của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng tâm hiệp lực, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, chủ động nắm bắt, tận dụng thời cơ nêu cao khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn”.