Đặc điểm này tác động tiêu cực đến hoạt động quân sự-quốc phòng, đòi hỏi LLVT Quân khu phải chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Thời gian qua, tình hình thời tiết diễn biến bất thường trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nhiều cơn mưa lớn kèm theo dông, lốc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân và các đơn vị LLVT đóng quân trên địa bàn. Trong đó, Trường bắn Quốc gia khu vực 3 cũng chịu tác động không nhỏ từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động huấn luyện, diễn tập quy mô lớn, nhưng tình trạng mưa, dông, khô hạn, lốc xoáy... theo mùa cản trở chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Đại tá Lê Phùng Lộc, Chỉ huy trưởng Trường bắn Quốc gia khu vực 3 chia sẻ: “BĐKH, mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến tuổi thọ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, làm giảm sức khỏe bộ đội và gây khó khăn trong công tác tăng gia sản xuất. Một số khu vực đóng quân của đơn vị còn xảy ra tình trạng cây gãy đổ. Mùa khô kéo dài gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Chúng tôi phải chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để”.
Cũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sư đoàn 302 mỗi năm có nhiều tháng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, tăng gia sản xuất. Hiện tại, nguồn nước sử dụng của đơn vị chủ yếu là nước ngầm, nhưng gần đây mực nước hạ thấp khiến đời sống của nhân dân và LLVT chịu nhiều tác động tiêu cực. Công tác hậu cần, kỹ thuật đều bị ảnh hưởng do chi phí phục vụ tưới tiêu, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị thay thế... tăng lên.
Đặc biệt, ở hai huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận và Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tượng BĐKH, nước biển dâng tác động trực tiếp tới hoạt động của bộ đội. Thời tiết trong ngày thay đổi liên tục, đang nắng chang chang vẫn đổ mưa tầm tã, thậm chí lốc xoáy làm gãy đổ cây xanh, sói mòn, sạt lở đất. Nhiều năm nay, huyện đảo Phú Quý phải chịu các đợt triều cường và mưa bão, gây sạt lở đất bờ phía Tây và phía Nam, thuộc hai xã Tam Thanh và Ngũ Phụng. LLVT đóng quân trên đảo phải tạm ngưng huấn luyện tham gia cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai. Theo ông Ngô Tấn Lực, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cuối năm 2021, dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường và các hạng mục bổ sung. Công trình hoàn thành sẽ góp phần bảo đảm cho hệ thống kè chống nước biển xâm thực trên đảo dần được khép kín, bảo vệ đảo trước BĐKH, nước biển dâng; bảo vệ vành đai huyện đảo, giữ vững quốc phòng, an ninh và hạn chế phải huy động LLVT tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện.
Để ứng phó, thích ứng với BĐKH và phòng ngừa sự cố môi trường trên địa bàn Đông Nam Bộ, hằng năm, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 9 địa phương xây dựng kế hoạch hành động; thành lập ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH, nhấn mạnh các mục tiêu: Dự báo tình hình BĐKH, nước biển dâng ở các khu vực, vị trí đóng quân và bố trí các công trình phòng thủ, mục tiêu trọng điểm về quốc phòng, an ninh; tăng cường diễn tập xử lý tình huống cứu hộ thiên tai; thí điểm một số mô hình thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH...
Đại tá Phạm Phú Ý, Phó tham mưu trưởng Quân khu cho biết: “Bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị trong Quân khu chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, thích ứng với BĐKH và phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường. Quân khu chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án cung cấp nước sạch cho mùa mưa, mùa khô và địa bàn biên giới, hải đảo. Những khu vực thường xuyên bị lũ lụt thì sử dụng bể, túi chứa nước mưa; chuẩn bị thiết bị lọc nước để bảo đảm chất lượng nguồn nước cho bộ đội sử dụng”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, tại các đơn vị, đặc biệt là 4 tỉnh, thành phố ven biển và các đơn vị vùng ven biển, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chủ động tham mưu giúp chính quyền địa phương chỉ đạo, xử lý nhiều tình huống thiên tai; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án khai thác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt, phát triển kinh tế và các hoạt động về quốc phòng, an ninh trước tác động của BĐKH, nước biển dâng.
Đại tá Trần Văn Trai, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An cho biết: LLVT tỉnh Long An triển khai hàng loạt giải pháp, hoạt động bảo vệ môi trường, như: Hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Giờ trái đất”, “Ngày nước thế giới”, “Làm cho thế giới sạch hơn”... phát huy cao độ vai trò của cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hệ lụy của BĐKH, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Mọi hoạt động của LLVT tỉnh luôn gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi đua xây dựng cảnh quan đơn vị chính quy, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Công tác xây dựng cảnh quan đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân khu quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, nền nếp. Các đơn vị tích cực trồng cây xanh trong khuôn viên doanh trại, khu gia đình quân nhân để giảm tác động của ô nhiễm môi trường.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, BĐKH và những tác động tiêu cực từ môi trường là khó tránh. Vấn đề cốt lõi là phải bảo vệ môi trường sống trong lành cho bộ đội và Nhân dân. Bộ CHQS tỉnh thường xuyên tăng cường huấn luyện, nâng cao kỹ năng của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong việc xử lý hậu quả thiên tai, bão lũ và BĐKH gây ra.
Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu nhấn mạnh: “Các hoạt động quân sự, quốc phòng của LLVT Quân khu luôn gắn với nhiệm vụ ứng phó, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng kế hoạch hành động hợp lý, quy hoạch các công trình quốc phòng, doanh trại, hệ thống kho tàng có tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Bên cạnh đó, các đơn vị LLVT Quân khu tích cực giáo dục, tuyên truyền cho mọi cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm nguồn nước, không sử dụng rác thải khó phân hủy, rác thải nhựa... để ứng phó và giảm tối đa tác hại của BĐKH đến đời sống, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu, nhằm thiết thực chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại do BĐKH...”.