Muốn thành công phải khổ luyện
Sinh năm 1994, Nguyễn Thành Phát tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Diễn viên múa tại Trường Trung cấp Múa TP.HCM năm 2018. Sau khi ra trường, Phát về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 7 và hiện tại kiêm nhiệm thêm biên đạo múa cho đoàn.
Là diễn viên múa, Phát hiểu rõ hơn ai hết, trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ không bộ môn nào đòi hỏi diễn viên hội tụ đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như múa. Người diễn viên buộc phải có độ dẻo dai của cơ thể, năng lực cảm thụ âm nhạc tốt, khả năng sáng tạo để diễn xuất và tưởng tượng ra các động tác theo yêu cầu của từng bài trên sân khấu. Vì vậy, để đào tạo được một nghệ sĩ múa đòi hỏi rất công phu, tốn kém, có người đã chọn cách rẽ ngang ngay từ trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, với những ai thực sự đam mê loại hình nghệ thuật này thì múa vẫn còn không ít sức hấp dẫn cần chinh phục.
Tác phẩm múa “Trở về” do Nguyễn Thành Phát và Thuận Hà biểu diễn đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2021.
Diễn viên múa là vậy, dẫu biết khổ luyện cực nhọc để thành công là một hành trình gian nan, vất vả nhưng cũng đầy hạnh phúc, tự hào. Họ đồng ý đánh đổi những chuỗi ngày luyện tập bền bỉ, khắc nghiệt và đau đớn chỉ để tỏa sáng vài phút trên sân khấu.
Thăng hoa với nghề
Trên sân khấu biểu diễn, khán giả luôn nhìn thấy hình ảnh lộng lẫy của những diễn viên múa hóa thân hoàn hảo vào các vai diễn khác nhau để cống hiến màn trình diễn đẹp nhất. Nhưng ít ai biết, một diễn viên múa chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu ra thì họ cần phải rèn luyện tới một trình độ nhất định mới có thể biểu cảm và thể hiện được yêu cầu kỹ thuật, nội dung của các chương trình nghệ thuật.
Có lẽ vậy mà nghệ sĩ múa được xem là những người lao động nghệ thuật nhọc nhằn nhất nhưng lại ít vinh quang. Bởi với nghệ thuật “càng có tuổi thì nghề càng chín” nhưng nghệ thuật múa thì khác, người diễn viên luôn chạy đua với tuổi của mình, đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe. Một số diễn viên, nhất là diễn viên nam thường mắc các bệnh về xương khớp hay thoát vị đĩa đệm do vận động nhiều. Có những tiết mục có các thế bê rất cao và nguy hiểm, cột sống chịu lực hoàn toàn, vì vậy, việc gặp chấn thương là điều khó tránh khỏi, có người phải dừng lại sự nghiệp, chấp nhận chọn nghề khác dù không phải đam mê.
Phát chia sẻ: “Những giây phút được biểu diễn trước công chúng là phút giây hạnh phúc nhất của người diễn viên khi được đặt trọn trái tim và năng lượng của mình vào nghệ thuật. Ngôn ngữ múa giúp tôi biểu đạt hoàn thiện cảm xúc, tâm hồn mà ở đó tôi được hóa thân vào nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện, kể cả chuyện của chính mình, lúc ấy phiêu và bay bổng vô cùng. Giờ mà không múa, có khi lại chẳng quen, tay chân lại không chịu đứng yên được”.
Chấn thương còn đó, nguy hiểm vẫn còn đó nhưng các diễn viên múa của Đoàn Văn công Quân khu 7 vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Dưới ánh đèn sân khấu, có những bộ trang phục cầu kỳ và đôi mắt biết cười. Các tiết mục được tạo nên nhờ sự phối hợp ăn ý của nhiều người, ít ai biết họ là ai, tên gì nhưng họ vẫn say sưa với từng nhịp vũ đạo, mặc kệ giọt mồ hôi nhễ nhại, những nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi.