Ngày 23-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết ban hành Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Triệu Tuấn Hải (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ lo lắng khi trong thời gian vừa qua, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan Nhà nước, hệ thống tài chính, hàng không, ngân hàng, hạ tầng thông tin của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ngày càng gia tăng và hết sức phức tạp.
“Hiện Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Từ năm 2017 đến nay, đã có 7.733 trang thông tin điện tử, trong đó có 246 trang cổng thông tin điện tử thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước bị tin tặc tấn công”, đại biểu cho biết.
Đại biểu cho rằng, các thế lực thù địch, tội phạm triệt để tận dụng tiện ích của internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Trong khi đó, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng lại chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác an ninh mạng đặt ra trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Luật An ninh mạng là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh sử dụng internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cho rằng dự thảo luật đã quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung hoạt động, điều kiện bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan đến hoạt động bảo vệ an ninh mạng, tuy nhiên, theo đại biểu, đến thời điểm hiện nay, không gian mạng đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng-an ninh. Hơn nữa, hệ thống thông tin nước ta đang phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công không chỉ nhằm vào hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước mà còn nhằm vào hệ thống thông tin của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, không chỉ gây mất an toàn thông thường nữa mà là vấn đề an ninh, chính trị, sự ổn định, vững mạnh của cả chế độ, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và sự an toàn của nhân dân.
Do đó, đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật cần được mở rộng hơn theo hướng điều chỉnh về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt để triển khai các hoạt động này trong thực tế.
Đại biểu nhấn mạnh, hoạt động tấn công mạng ngày càng gia tăng, thực trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, nhiều thông tin được phát tán với dụng ý xấu, nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, có thông tin gây hoang mang, bất bình trong đời sống nhân dân... “Không gian mạng cũng như xã hội, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là phát huy, khuyến khích các nội dung tiêu cực, hạn chế, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xấu, tiêu cực, ảnh hưởng đến xã hội”, đại biểu nêu quan điểm.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của nước ta tuy đã yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài gỡ được nhiều thông tin xấu, trái pháp luật trên các trang mạng, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet không hợp tác về vấn đề này. Do đó, đại biểu cho rằng, việc quy định cấp giấy phép hoạt động đặt cơ quan đại diện máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam là phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý đúng đắn đối với hành động không thiện chí, không hợp tác, làm ảnh hưởng an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn Bình.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, đối với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Nghị định 98 năm 2015 của Chính phủ đã quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng tác chiến mạng, không gian mạng giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì với Chính phủ quản lý Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chuẩn bị sẵn sàng đối phó thắng lợi với thông tin, chiến tranh không gian mạng và các tình huống quốc phòng trên không gian mạng, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự phát triển bền vững của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Do đó, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu dự thảo Luật An ninh mạng phải phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược an ninh quốc gia trên không gian mạng và phải đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phó chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cũng cho rằng, vấn đề tác chiến mạng tuy đã được điều chỉnh trong dự luật nhưng lại không quy định đầy đủ các hoạt động tác chiến mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Hơn nữa, dự luật cũng xác định chưa đầy đủ, chính xác về khái niệm “chiến tranh mạng”. Theo đại biểu, đây là một loại hình chiến tranh mới, có thể diễn ra đồng thời hoặc độc lập, có thể kết hợp với các hình thái chiến tranh khác để gây chiến tranh xâm lược...Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không quy định vào dự thảo luật đối với vấn đề tác chiến mạng, phòng, chống chiến tranh không gian mạng, vì đây là lĩnh vực thuộc quân sự-quốc phòng. “Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang chủ trì xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc không gian mạng; Đảng ủy Công an Trung ương đang chủ trì xây dựng chiến lược an ninh mạng quốc gia”, đại biểu cho biết.
NGUYỄN THẢO
Nguồn: qdnd.vn