Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, UBTVQH nêu rõ, kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung hệ trọng của đất nước. Sau hơn một tháng làm việc, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Cùng với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ, tâm huyết, tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, thẳng thắn, toàn diện các lĩnh vực xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao chất lượng các điều luật, nghị quyết của Quốc hội. Với những kết quả đạt được, Quốc hội tiếp tục thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, triển khai thi hành Hiến pháp; nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát, quyết định vấn đề quan trọng, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước; không ngừng khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới về nội dung và cách thức tiến hành. Các vấn đề được đưa ra bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn với kết quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, những bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân… Phiên chất vấn đã để lại ấn tượng tốt trong lòng cử tri và nhân dân cả nước đối với sự thay đổi tích cực, không khí dân chủ, công khai, minh bạch, thẳng thắn ở nghị trường, tinh thần xây dựng, cầu thị và giám sát đến cùng vì lợi ích chung của đất nước, nhân dân và nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Đa số đại biểu đồng tình với đánh giá tại tờ trình tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần nhấn mạnh hơn nữa thành công của kỳ họp và bổ sung thêm thời gian chất vấn trực tiếp tại hội trường. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, hoạt động chất vấn tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng thời gian chất vấn còn ít, trong khi còn nhiều đại biểu đăng ký chất vấn. Một số đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi còn dài, chưa đi thẳng vào trọng tâm. Có vấn đề chất vấn chưa được trả lời trực tiếp vào trọng tâm câu hỏi để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Trình bày trước UBTVQH tờ trình việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 12,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-3-2016 và bế mạc vào ngày 6-4-2016. Kỳ họp 11 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật; tiến hành cho ý kiến một dự án Luật Biểu tình; thảo luận các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Đến nay dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên một số vấn đề nhạy cảm, hiện đến thời điểm này các Bộ có liên quan chưa cho ý kiến.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, nếu đưa vào cho ý kiến tại kỳ họp 11 vào tháng 3-2016 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp các ý kiến các bộ có liên quan. Trước khó khăn đó, Ban soạn thảo đề xuất lùi Luật Biểu tình lại, thay vào đó là trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Cảnh vệ tại phiên họp 11 tới. Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho rằng, Luật Cảnh vệ đã được thẩm định xong nên có thể đưa ra để Quốc hội cho ý kiến.
Chủ trì phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, đề xuất đưa Luật Cảnh vệ vào kỳ họp tới sẽ được UBTVQH bàn bạc, quyết định. Với Luật Biểu tình, UBTVQH đề nghị Chính phủ cố gắng hoàn thiện, trình ra để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 11 tới.
* Trước đó, sáng 11-12, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc đàm phán và trao đổi công hàm thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau khi nghe tờ trình của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đa số các ý kiến trong UBTVQH cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, Việt Nam đã hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, đặc biệt với các nước lớn. Việt kiều ở nước ngoài cũng rất đông, trong đó đông nhất là ở Mỹ. Do vậy việc cấp thị thực giữa hai nước như đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đó là sẽ cấp thị thực thời hạn 1 năm (thay vì 3 tháng như hiện nay) cho công dân Mỹ. Trình tự của đàm phán, trao đổi này thực hiện theo đúng quy luật của pháp luật.
NAM TRỰC
2454 lượt xem