Phương pháp và tinh thần tự phê bình theo tư tưởng của Bác đã trở thành nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng và trong bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta khẳng định: Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với Nhân dân; là vấn đề vừa cơ bản, vừa lâu dài; vừa là những yêu cầu trước mắt của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, của quá trình đổi mới và cải cách bộ máy hành chính, đổi mới cung cách làm việc của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp trong toàn quân phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình thông qua việc duy trì nền nếp và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp, của các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân. Tiến hành tự phê bình và phê bình từ trong cấp ủy ra ngoài đảng bộ, đơn vị; mở rộng dân chủ và phát huy quyền, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia phê bình cho cấp ủy, các đồng chí bí thư, phó bí thư, cấp ủy, cán bộ chủ trì, chủ chốt để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên… hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.