Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân từ cuối tuần qua và trong suốt tuần này là Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Phiên họp kéo dài từ ngày 10 đến 18-8, với nội dung trọng tâm là cho ý kiến về 9 dự án luật quan trọng, trong đó có những dự án luật gắn với vận mệnh quốc gia như: Luật Quốc phòng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Quản lý nợ công… Lại cũng có những dự án luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, như: Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tố cáo...
Bản chất Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vì thế luật do Quốc hội-cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất làm cũng phải vì dân, vì nước.
Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh ở nước ta khá chặt chẽ. Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, UBTVQH lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, UBTVQH phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội bên cạnh việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, còn dành nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức hữu quan. UBTVQH với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội, thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh. Giữa hai kỳ họp, các đoàn ĐBQH tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Ý kiến của ĐBQH là cơ sở quan trọng mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật.
Tuân thủ quy trình xây dựng luật trên đây, trong những năm qua, hoạt động lập pháp của nước ta có những bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh đa số các luật được Quốc hội thông qua đã vì dân, vì nước, đi ngay vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, vẫn còn có luật vừa mới thông qua đã phải sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Có những luật ban hành rồi, nhưng chưa thể thi hành được vì thiếu các văn bản hướng dẫn. Thậm chí có văn bản quy phạm pháp luật ra đời chỉ phục vụ lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”. Người soạn thảo, với thẩm quyền của mình, đã cố tình đưa vào văn bản luật những quy định chỉ nhằm phục vụ cho cơ quan hoặc nhóm người có lợi ích từ quy định đó, không xuất phát từ nhu cầu hợp lý của cuộc sống, từ lợi ích lâu dài của đất nước…
Giữa pháp luật và cuộc sống có mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ. Pháp luật chỉ có tác dụng khi đi vào cuộc sống. Đến lượt nó, pháp luật lại chỉ có thể đi vào cuộc sống khi “hơi thở” của cuộc sống được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, UBTVQH siết chặt hơn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giám sát chặt chẽ quy trình này, đặc biệt là các văn bản dưới luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; đánh giá tác động của đạo luật dự kiến ban hành với sự phát triển bền vững của đất nước, đến cuộc sống của đại đa số người dân; nghiên cứu khả năng tài chính để bảo đảm triển khai các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
Thực tiễn cho thấy việc UBTVQH xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội đã phát huy tác dụng tích cực, có ý nghĩa thiết thực, nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội. Ý kiến của các thành viên UBTVQH là cơ sở ban đầu cho việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều ĐBQH và các chuyên gia pháp luật thì cũng cần làm rõ hơn giá trị pháp lý của việc UBTVQH cho ý kiến về nội dung của dự án luật, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp thu ý kiến của UBTVQH.
Nguồn: qdnd.vn