Đức vua Trần Thái Tông
Trần Thái Tông sinh năm Mậu Dần - 1218, là vị vua đầu tiên của nhà Trần, tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ.
Ông đã lãnh đạo Nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư.
Qua đời vào năm 1277, thọ 59 tuổi, Trần Thái Tông để lại cho đời sau một số tác phẩm như: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi...
Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm sinh năm Bính Dần-1746, là danh sĩ - nhà văn đời hậu Lê-Tây Sơn, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.
Ông xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, quê ở Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).
Tác phẩm để lại: Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến...
Trương Đăng Quế
Trương Đăng Quế sinh năm Giáp Dần-1794, hiệu Quảng Khê, là văn sĩ, quê gốc tỉnh Hà Tĩnh di cư vào huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ cử nhân năm 1819, được dạy học cho vua Thiệu Trị, làm quan đến Phụ chính đại thần.
Ông là chủ biên của 2 bộ sách giá trị Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục tiền biên. Trương Đăng Quế mất vào năm 1865, thọ 71 tuổi.
Nguyễn Xuân Ôn
Nguyễn Xuân Ôn sinh năm Canh Dần-1830, là nhà yêu nước-nhà thơ, hiệu Ngọc Đường quê xã Văn Hiến, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mão (năm 1867) và Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi (năm 1871), làm Án sát tỉnh Bình Định, Học chính tỉnh Quảng Bình.
Nguyễn Xuân Ôn nhiều lần phản đối đường lối chủ hòa, dâng sớ lên vua Tự Đức trình bày kế hoạch chống giặc nhưng không được chấp nhận, bị cách chức. Ông về quê, chuẩn bị lực lượng, hưởng ứng chiếu Cần Vương, dựng cờ khởi nghĩa ngay tại làng, rồi mở rộng ra các huyện trong tỉnh, gây cho Pháp thiệt hại lớn. Cuối cùng, bị Pháp tấn công bất ngờ, ông bị bắt khi đang ốm. Thực dân giam ông ở thành Nghệ An, sau đó giam ở Huế cho đến lúc mất vì bệnh (năm 1889) thọ 59 tuổi.
Ngô Đức Kế
Ngô Đức Kế sinh năm Mậu Dần-1878, là chí sĩ yêu nước, nhà báo, hiệu Tập Xuyên, quê Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một nhà nho yêu nước, đỗ Tiến sĩ năm 1901, nhưng không ra làm quan. Theo ý của Phan Bội Châu ông cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết với các đồng chí trong phong trào Đông Du. Năm 1908, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo 13 năm. Năm 1922, ông ra Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh đối chọi với tờ tạp chí Nam Phong. Báo bị đóng cửa, ông mở Giác quần thư xã (năm 1926), xuất bản một số sách tiến bộ: Phan Tây Hồ di thảo (năm 1927); Đông Tây vĩ nhân.
Ông là người có nhiều uy tín với thanh niên trí thức những năm 20 của thế kỷ XX. Ông qua đời vào năm 1929, hưởng thọ 51 tuổi.
Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 - năm Canh Dần (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) quê ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội, thọ 79 tuổi.
Năm 1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của Nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.
Ngày 3-2-1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).
Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam - Nhà văn hóa kiệt xuất”. Tạp chí TIME của Mỹ bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, tập thơ Nhật ký trong tù...