Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ có vi phạm khi làm nhiệm vụ.
Ảnh minh họa - Internet
Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (cấp xã), Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, các chức vụ chỉ huy, chiến sĩ, đơn vị Dân quân tự vệ. Học viên đang đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tại các nhà trường Quân đội.
Dự thảo nêu rõ việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo các nguyên tắc: Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm kỷ luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.
Khi xử lý kỷ luật, ngoài hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm nếu vi phạm gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì người vi phạm còn phải bồi thường do hành vi vi phạm gây ra.
Dự thảo quy định các hình thức kỷ luật. Đối với chiến sĩ Dân quân tự vệ có 3 hình thức kỷ luật là: Khiển trách; cảnh cáo và tước danh hiệu Dân quân tự vệ.
Đối với các chức vụ chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ, có 5 hình thức kỷ luật là: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức và tước danh hiệu Dân quân tự vệ.
Đối với đơn vị, tổ chức Dân quân tự vệ, có 3 hình thức kỷ luật là: Khiển trách; cảnh cáo và đình chỉ hoạt động.
Dự thảo cũng quy định cụ thể xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về dân quân tự vệ như: Vi phạm chế độ trách nhiệm của người chỉ huy; chống mệnh lệnh; chấp hành không nghiêm mệnh lệnh; cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ; vắng mặt trái phép; trốn tránh nhiệm vụ; vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban; vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ…
Khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật
Bên cạnh việc quy định các hình thức kỷ luật, dự thảo cũng quy định về khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật. Theo đó, trường hợp người vi phạm kỷ luật không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng. Khi chưa có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền, người vi phạm kỷ luật phải chấp hành nghiêm quyết định hiện hành.
Các cơ quan, đơn vị khi nhận được khiếu nại của người vi phạm kỷ luật phải có trách nhiệm xem xét trả lời theo đúng thẩm quyền và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng.
Nguồn: baochinhphu.vn