Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2024 đã đạt 14,6 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 10 tỷ USD, tăng 22%.
Hiện tại, Việt Nam có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC hoặc PEFC, mục tiêu đến năm 2030 là đạt 1 triệu ha rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gỗ chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam, tương đương 2 tỷ USD trong năm 2023
Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại gỗ của Việt Nam, không chỉ ở khía cạnh nhập khẩu mà còn ở xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổ chức Forest Trends, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam, tương đương 2 tỷ USD trong năm 2023. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu bao gồm dăm gỗ, gỗ ván và veneer, đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gỗ mỗi năm từ Trung Quốc, phần lớn là veneer có nguồn gốc từ Nga (gỗ dương) và các sản phẩm gỗ công nghiệp khác.
Hiệp hội Công nghiệp Lâm sản Trung Quốc cho biết, hiện nay nguồn cung sản phẩm chất lượng cao tại Trung Quốc vẫn còn thiếu. Năng lực cung ứng sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường đa dạng ngày càng cao, đồng thời tồn tại tình trạng dư thừa nguồn cung cấp sản phẩm cấp thấp.
Một số sản phẩm gặp phải vấn đề đồng nhất hóa nghiêm trọng, trong khi năng lực sản xuất lạc hậu trong các ngành công nghiệp truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bởi vậy, mức độ phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu từ nước ngoài vẫn còn lớn.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm có thể đạt trên 16,2 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 56% tổng kim ngạch, tức gần 9 tỷ USD. Đồng thời, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 230 triệu USD, cho thấy ngành gỗ đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD sang thị trường này. Điều này khẳng định Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng cảnh báo rằng năm 2025 sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt là từ thị trường Mỹ, nếu chính sách thương mại thay đổi. Nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại khác luôn hiện hữu.
Dù vậy, mức thuế cao áp dụng cho Trung Quốc đang thúc đẩy chuỗi cung ứng chuyển dịch sang Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài và tăng cường xuất khẩu.
Thiên An