Hình minh họa
Quảng Ninh sắp khởi công nhà máy hơn 17.500 tỷ đồng, hàng nghìn việc làm chờ người lao động
Ngày 25/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp ông Gari Lin, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc đối ngoại của Lite-On Technology Corporation, nhằm trao đổi các kế hoạch đầu tư của tập đoàn tại tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Gari Lin gửi lời cảm ơn tới chính quyền tỉnh Quảng Ninh vì những hỗ trợ tích cực trong quá trình triển khai dự án nhà máy Lite-On tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Dự án nhà máy Lite-On Quảng Ninh là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2023. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 30ha tại KCN Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư lên tới 690 triệu USD (tương đương hơn 17.500 tỷ đồng).
Đây là nhà máy sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 với mức độ tự động hóa và số hóa cao, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Các sản phẩm chính bao gồm linh kiện máy tính, camera, thiết bị kết nối mạng, bộ sạc xe điện, đèn ô tô và các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Dự kiến, nhà máy sẽ khởi công vào quý I/2025 và hoàn thành giai đoạn I vào tháng 11/2025 với công suất 64 triệu sản phẩm/năm. Đến năm 2028, giai đoạn II sẽ được hoàn thiện, nâng công suất lên 95 triệu sản phẩm/năm và toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2030 với tổng công suất gần 124 triệu sản phẩm/năm.
Đông nghẹt người dân trải nghiệm tuyến metro hơn 47.300 tỷ đồng sau 12 năm chờ đợi
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vừa chính thức vận hành khai thác thương mại sau 12 năm đầu tư xây dựng. Rất đông người dân háo hức tham gia trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của TP.HCM dù phải xếp hàng dài chờ đợi.
Sức hút của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được thể hiện rõ sau những ngày đầu tiên dự án này chính thức khai thác thương mại. Mặc dù là ngày trong tuần, nhưng rất đông người dân đã tập trung về nhà ga Bến Thành để trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Tuyến metro số 1 dài 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao gồm Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên và Bến xe Miền Đông mới.
Trong đó, ga Bến Thành là điểm đầu của tuyến metro số 1. Nhà ga này nằm ngay khu vực lõi trung tâm của TP.HCM, ngay cạnh chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập và nhiều biểu tượng khác của thành phố. Ga dài 236 m, rộng 60 m, sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng ngầm. Đây là ga trung tâm của Metro số 1, có quy mô và diện tích lớn nhất trong 14 nhà ga. Theo quy hoạch, ga Bến Thành sẽ là điểm kết nối các tuyến Metro số 1, 2, 4, 3a.
Bước tiến mới của dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku hơn 36.500 tỷ đồng
Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 123km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài 37,4km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 85,6km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Riêng các đoạn qua hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 36.594 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.733 tỷ đồng, suất vốn đầu tư của dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 267 tỷ đồng/km.
Dự án đã được nghiên cứu theo phương án đầu tư PPP, tuy nhiên, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định. Kể cả trường hợp áp dụng các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự án vẫn có hiệu quả tài chính thấp, thời gian thu phí hoàn vốn dài trên 25 năm, sẽ khó khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn.
Thông tin mới nhất về dự án “siêu cảng” 50.000 tỷ đồng ở vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án cảng Trần Đề có sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 162.700 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn đầu tư, gồm: Giai đoạn khởi động cần vốn đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích quy hoạch cảng Trần Đề là 5.400 ha. Trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400 ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000 ha (giai đoạn 2030: 1.000 ha).
Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ, đến năm 2030: “Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó Cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”. Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàng An