Vươn về phía mặt trời
Vợ chồng ông Nguyễn Quang Lãi - bà Lê Thị Nghị ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước bị nhiễm chất độc da cam do trước đây ông bà từng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn vào những năm đầu thập niên 1970. Ông bà sinh được 5 người con thì 2 con trai lớn bị di chứng nặng từ chất độc này. Đáng buồn hơn, 1 trong 2 người con ấy đã mất cách đây không lâu vì ảnh hưởng quá nặng từ chất độc da cam/dioxin.
Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông bà vô cùng túng thiếu. Là trụ cột chính trong nhà nhưng ông Lãi bị mất sức lao động đến gần 70% do các biến chứng từ chất độc da cam để lại. Vừa là nạn nhân còn phải nuôi những đứa con bị nhiễm chất độc da cam giống mình nhưng ông bà không đầu hàng số phận. Ngay từ những năm đầu vào lập nghiệp ở tỉnh Bình Phước, vợ chồng ông động viên nhau nỗ lực và dốc hết sức để gầy dựng kinh tế gia đình. Đến nay, sau bao năm tích cóp, dẫu chưa dư dả nhiều nhưng cuộc sống gia đình ông bà đã rất ổn định, cái đói khổ năm nào giờ đã lùi vào quá khứ.
Nhờ tận dụng được mặt nước của lòng hồ ngay cạnh vườn nhà, hằng năm vợ chồng ông Lãi tăng gia, nuôi các loại thủy sản có giá trị như cá lóc, lươn đồng, mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nói về hành trình vượt qua thiếu thốn, bệnh tật, bà Nghị tự hào cho biết: Khi vào Bình Phước lập nghiệp năm 1981, gia đình tôi thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, với suy nghĩ không trông chờ, ỷ lại sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự cưu mang của các tấm lòng hảo tâm, chúng tôi tự động viên nhau phải cố gắng vượt mọi khó khăn… Nhờ vậy, đến nay cuộc sống gia đình được đầy đủ, không còn khổ như trước.
Vượt lên chính mình
Cũng ở xã Long Tân, ông Cao Bá Quát - một nạn nhân chất độc da cam khác, được biết đến là người giàu nghị lực vượt khó.
Ông Quát từng là người lính phục vụ trên nhiều chiến trường ác liệt từ Quảng Trị, Chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến chiến tranh biên giới phía Bắc. Vì vậy, chất thép người lính đã giúp ông rất nhiều để gầy dựng kinh tế gia đình trong hoàn cảnh bệnh tật, sức khỏe suy giảm do các di chứng của chất độc da cam.
Hiện nay, với mô hình vườn - ao - chuồng khá bài bản, ông Quát đã vững tin hơn vào kinh tế gia đình. “Bản thân tôi rất tự hào về những gì có được hôm nay. Bởi với người khỏe mạnh chiến thắng đói nghèo là một thành quả thì với tôi, một nạn nhân chất độc da cam nay đau mai ốm, điều đó lại càng ý nghĩa hơn” - ông Quát chia sẻ về những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để có ngày ấm no hôm nay.
BÙI VĂN THÀNH, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Phước
Với chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, hiện nay các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được trợ cấp hằng tháng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy theo mức độ. Tuy nhiên, điều vô cùng đáng quý là có rất nhiều nạn nhân da cam không trông chờ, ỷ lại sự trợ cấp này và cả sự sẻ chia từ cộng đồng mà họ đã tự thân nỗ lực vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.