Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB không ngại khó khăn, gian khổ, chăm chỉ lao động, có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu và một lòng cống hiến cho đất nước bằng những việc làm giản dị mà đầy ý nghĩa. Trong đó, CCB Phạm Tuấn Ninh (66 tuổi) ở thôn 3, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng là một trong những người như thế.
Nhanh nhạy trong phát triển kinh tế
Theo giới thiệu của Hội CCB huyện Phú Riềng, chúng tôi đến gia đình CCB Phạm Tuấn Ninh. Ấn tượng đầu tiên về ông là tinh thần lạc quan, lối sống bình dị, chân chất vốn có của một người lính và cả tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng sẻ chia với người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
17 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Tuấn Ninh lên đường nhập ngũ. Năm 1977, ông Ninh phục viên về Thái Bình lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1978, ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp tại xã Long Hưng.
Những ngày đầu trên vùng đất mới, đứng trước nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với ý chí kiên cường đã được tôi luyện trong quân ngũ, ông Ninh hăng say lao động, không ngại khó, ngại khổ, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, đến nay, vợ chồng ông có 15 ha đất sản xuất trồng điều, cao su. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ với thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài ra, ông Ninh còn mạnh dạn chuyển sang lĩnh vực kinh doanh. Năm 2003, ông quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng mở xưởng chẻ hạt điều. Ông đầu tư các loại máy móc hiện đại, máy chẻ hạt điều tự động và thu mua điều của các cửa hàng hoặc người dân về chẻ, sau đó bán cho các công ty chuyên sản xuất, chế biến hạt điều. Nhờ mạnh dạn và nhanh nhạy trong kinh doanh, đến nay mỗi năm xưởng điều mang lại doanh thu cho gia đình ông hơn 500 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 5-10 lao động địa phương với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
…Và giàu lòng nhân ái
Cuộc sống khó khăn, bị tật ở chân từ nhỏ nên bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 3, xã Long Hưng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Chồng bà Lan bị bệnh hiểm nghèo, qua đời cách đây gần 3 năm. Để trang trải cuộc sống, ngoài số tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người khuyết tật, bà Lan còn nhận hạt điều về bóc vỏ lụa để kiếm thêm thu nhập. Trước hoàn cảnh của bà Lan, ông Ninh thường xuyên tới thăm, động viên và tặng quà. Ngoài ra, ông còn vận động các mạnh thường quân mỗi tháng hỗ trợ bà 1 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ này đã giúp bà Lan từng bước vươn lên, vượt qua khó khăn. Bà Lan cho biết: Cuộc sống khó khăn nên chú Ninh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của chú.
Đồng chí Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Riềng
Khi cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành, có của ăn của để từ kinh doanh dịch vụ, ông Ninh tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động của địa phương. Ông thường xuyên giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn, cùng địa phương đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, làm đường giao thông, xây nhà tình thương. Chia sẻ về những việc làm của mình, ông Ninh cho biết: “Mỗi khi chia sẻ, giúp đỡ được ai đó, trong lòng cảm thấy rất vui. Bởi được sống đến ngày nay là sự may mắn và hạnh phúc so với nhiều đồng đội hy sinh ở chiến trường. Hơn thế nữa, để có được cuộc sống như hôm nay, gia đình đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, khổ cực, nhiều ngày “đứt bữa”, thiếu thốn đủ bề. Tôi luôn dạy các con, cháu rằng, dù cuộc sống gia đình chưa giàu có nhưng khi ai đó cần giúp đỡ và thấy mình giúp, sẻ chia được thì cứ làm”.
Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của ông Ninh trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm lo đời sống người nghèo đã và đang cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ông thực sự là tấm gương mẫu mực, bản lĩnh và giàu chất lính của bộ đội Cụ Hồ.