Trong cuộc chiến đó, bên cạnh những chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương, các lực lượng quân đội, công an, các cơ quan, doanh nghiệp… nhiều người cũng nhận thấy đã và đang lan tỏa ngày càng lớn một hơi ấm, một sức mạnh vô hình đang góp phần không nhỏ để ngăn chặn con virus Corona. Đó chính là lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, cùng nhau chia sẻ khó khăn để vượt qua hiểm họa của hơn 96 triệu người dân Việt.
Dung dịch sát khuẩn tay nhanh do Bệnh viện Quân dân y miền Đông sản xuất. Ảnh: Lê Hoan
“Rằng qua hoạn nạn mình mới hiểu lòng nhau” – lời bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” của cố nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn, như sự đúc kết, đồng cảm về tình người trong khó khăn, hoạn nạn. Cũng như bao lần chống thiên tai dịch họa trong lịch sử nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước, khi đại dịch Covid-19 tràn đến thì tình yêu thương, trách nhiệm của hầu hết người Việt lại được phát huy tối đa và cùng chung lưng đấu cật bảo vệ cộng đồng.
Đó là hình ảnh các y, bác sĩ đang miệt mài làm việc xuyên ngày đêm ở bệnh viện và các khu vực cách ly. Hay hình ảnh LLVT sẵn sàng nhường doanh trại, tiếp nhận người cách ly. Hàng ngàn chiến sĩ ngày đêm kiểm tra trực chốt ở tất cả các cửa khẩu trên mọi nẻo đường biên giới. Những bữa cơm trải trên lá chuối rừng. Những phút chợp mắt trong đêm lạnh giá. Rồi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ suốt ngày đêm tham gia chốt chặn ở những khu vực nghi có dịch hoặc tâm dịch, hoặc phục vụ tại các điểm cách ly. Trong số những chiến sĩ ấy, có rất nhiều người đã mấy tháng liền, chưa về thăm vợ, con và bố, mẹ... Đúng như lời biểu dương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Các đồng chí là lực lượng tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, có thể bị lây nhiễm dịch Covid-19 trong bất cứ lúc nào để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ”…
Và trong cộng đồng, nhiều người dân có những hành động đẹp, thắp sáng ngọn lửa nhân ái trong mùa dịch bệnh. Nhiều tổ chức đoàn thể, hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã mua, may và phát khẩu trang cho người dân. Cảm động hơn, có những cụ ông, cụ bà góp tặng từng ký gạo, bó rau cho nơi tiếp nhận ở khu vực cách ly. Rồi có những em nhỏ dành số tiền “lì xì” ít ỏi để mua khẩu trang phát cho người dân. Lại có những doanh nghiệp nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp cho người dân phòng, chống dịch bệnh. Những hành động đầy tình người đó xuất phát từ trái tim đồng cảm của mỗi người và là trách nhiệm, là tình cảm, sự sẻ chia với cộng đồng.
Dân quân phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM hướng dẫn người dân đảm bảo khoảng cách xếp hàng vào máy "ATM gạo". Ảnh: Tấn Chí
Có gì ấm áp hơn khi đi dọc các tuyến đường dù Hà Nội, Hải Phòng, hay Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác... xuất hiện những điểm phát khẩu trang y tế, lương thực, thực phẩm đồ ăn, thức uống với dòng chữ “hãy lấy nếu bạn cần”. Xúc động hơn mới đây, tại quận Bình Tân, Tp.HCM có cả một “ATM gạo”, phục vụ miễn phí cho dân nghèo trong mùa dịch Covid. Đây là công trình nghĩa tình của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock, một công ty chuyên sản xuất, phân phối thiết bị nhà thông minh, khóa điện tử. Anh còn dự kiến sẽ mở thêm 100 cây “ATM gạo” trên toàn Thành phố để hỗ trợ tốt hơn cho dân nghèo. Và đây, hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, 95 tuổi (ở Thành phố Hồ Chí Minh), dù đã ở cái tuổi “mắt mờ, tay chậm” nhưng vẫn ngồi cặm cụi bên chiếc máy may cũ kỹ, tự tay làm từng chiếc khẩu trang để phân phát cho người nghèo chiếc khẩu trang phòng bệnh giữa cơn bão dịch. Có thể nói, trong đại dịch, những nghĩa cử, tình người đều có sức lan tỏa và trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết. Nghĩa cử, tình người trong đại dịch là phẩm cách văn hóa, đạo lý ngàn năm của dân tộc Việt, đáng trân trọng và đáng tự hào.
Em Nguyễn Thị Kiều Ngân, du học sinh Canada lưu luyến chia tay chiến sĩ dân quân tại khu cách ly Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Tấn Chí
Đi lên từ đất nước nông nghiệp, Nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, anh em. Trong khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách, hiểm nghèo, người Việt luôn tỏa sáng tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
Tinh thần đó, chính là sức mạnh để chúng ta vượt thời khắc nguy nan như thế này, nắm chặt tay nhau, triệu người như một và luôn biết lắng nghe mỗi khi “Tổ quốc gọi tên mình”. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua đại dịch. Cùng nhau chúng ta “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”.