Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam (VIBCA) và MMI Asia - Công ty con hoạt động ở khu vực châu Á của Tập đoàn Messe München GmbH (Đức) vừa thông tin về Triển lãm ASEAN Ceramics & Stone 2024, dự kiến diễn ra tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn, TP.HCM từ ngày 11 - 13/12 tới đây.
ASEAN Ceramics 2024 là triển lãm quốc tế hàng đầu về máy móc, công nghệ và nguyên vật liệu cho sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, gạch ngói đất sét nung và các loại gốm sứ kỹ thuật. Triển lãm có số lượng gian hàng quốc tế nhiều nhất, với các gian hàng đến từ các quốc gia: Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Được biết, đây là lần thứ 8 Triển lãm ASEAN Ceramics được tổ chức, nhằm kết nối ngành công nghiệp gốm sứ trên toàn thế giới.
Việt Nam nằm trong Top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới
Với chủ đề “Tính bền vững và đa dạng thông qua đổi mới và hợp tác”, Triển lãm ASEAN Ceramics 2024 sẽ tập trung giới thiệu các công ty gốm sứ tiên phong trong việc sử dụng những cải tiến, công nghệ mới nhất, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, để tạo ra phương thức sản xuất bền vững.
Trong khuôn khổ Triển lãm ASEAN Ceramics 2024 còn diễn ra hội nghị, hội thảo, với sự tham gia của các diễn giả đẳng cấp thế giới, thảo luận về các vấn đề cấp bách mà ngành gốm sứ đang đối mặt, như chủ đề “Từ biến đổi khí hậu đến xã hội phát thải bằng 0”; “Duy trì khả năng phục hồi trong ngành gốm sứ”.
Triển lãm ASEAN Ceramics 2024 sẽ diễn ra đồng thời với Triển lãm ASEAN Stone 2024, với sự tham gia của các thương hiệu máy móc, công cụ, hóa chất và nguyên vật liệu cho ngành đá. Đây là triển lãm quốc tế duy nhất khu vực Đông Nam Á dành cho ngành đá tự nhiên.
Theo đó, Triển lãm ASEAN Stone 2024 sẽ giới thiệu các mỏ đá và các thương hiệu đá tự nhiên quốc tế và trong nước, như Bao Lai Stone, Fortune Stones và The Square Stone…, giúp kết nối người mua, các chuyên gia trong ngành, các công ty có tầm ảnh hưởng trong ngành đá.
Bộ Xây dựng, Triển lãm ASEAN Ceramics & Stone 2024 sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư và trao đổi khoa học công nghệ, giúp cải tiến hiệu quả công nghệ, thiết bị, tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, tổng công suất gạch ốp lát của Việt Nam đạt trên 830 triệu m2/năm; sứ vệ sinh đạt 26 triệu sản phẩm/năm… Giá trị xuất khẩu gốm sứ hàng năm đều đạt trên 500 triệu USD… nằm trong Top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới.
Thúy Hà