Vinh dự được phục vụ Bác
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khi kể về ký ức thời bom đạn, đặc biệt là những tháng ngày công tác tại Phủ Chủ tịch, đôi mắt cựu chiến binh Đỗ Kim Chi ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp lại sáng ngời sức trẻ. Với ông, những tháng ngày được công tác, làm nhiệm vụ bảo vệ tại Phủ chủ tịch là niềm vinh dự, tự hào và là những ký ức không thể nào quên. Bởi đối với ông, thời gian công tác tại Phủ Chủ tịch không nhiều, nhưng ông được ở gần và thường xuyên được gặp Bác Hồ, được Bác quan tâm, động viên, căn dặn hằng ngày. Với ông, điều đó là vinh dự, không phải ai cũng có.
Cựu chiến binh Đỗ Kim Chi là đảng viên 65 năm tuổi Đảng. Ông sinh ra và lớn lên ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm 17 tuổi, ông đi bộ đội, biên chế vào Trung đoàn 46 quân chủ lực Quân khu 3, công tác ở chiến trường Bắc Bộ. Năm 1954, ông được điều về Trung đoàn 600 làm nhiệm vụ bảo vệ Phủ Chủ tịch, đến cuối năm 1959 thì được cử đi học lớp cơ yếu. Học xong, ông được điều động lên công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, trực thuộc Quân khu Tây Bắc. 17 năm làm cơ yếu, cuối tháng 4-1975, chuẩn bị tiếp quản biên giới, ông được điều vào công tác tại tỉnh Sông Bé, phụ trách Đồn Biên phòng Hoa Lư ngày nay. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, đến tuổi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, ông lại tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông Đỗ Kim Chi cho biết, chính những ngày tháng công tác trong quân ngũ và làm việc tại Phủ Chủ tịch, được phục vụ Người - một bậc vĩ nhân của thế giới, một đời vì nước, vì dân đã tạo cho ông bản lĩnh, khí chất người lính không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Chính vì vậy, cuộc sống sau những ngày rời quân ngũ nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm nuôi dạy các con nên người, có việc làm ổn định.
Ông kể lại, những năm làm nhiệm vụ bảo vệ tại Phủ Chủ tịch, vào những ngày mưa gió, lạnh giá, mỗi lần Bác đi ngang qua thường động viên anh em chiến sĩ cố gắng giữ ấm cơ thể làm tốt nhiệm vụ. Rồi Bác tặng mỗi người một chiếc áo bông choàng… “Bác gần gũi, ấm áp như chính người thân của mình” - ông Đỗ Kim Chi xúc động nói.
Hai lần gặp Bác và những ký ức không thể quên
Bác Hồ đã đi xa nhưng những kỷ niệm lần đầu gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của đảng viên, cựu chiến binh Huỳnh Thế Thiện ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Ông cho biết, lần đầu gặp Bác là vào một ngày mưa tầm tã giữa tháng 4-1960, khi Nhà máy phân đạm Hà Bắc khởi công xây dựng và Sư đoàn 338 là đơn vị được chỉ định làm nhiệm vụ xây dựng nhà máy. “Ngày hôm đó trời mưa to, Bác đến mà không ai biết. Khi xe Bác chạy vào khu làm lễ, Tỉnh ủy Hà Bắc cử người căng bạt che mưa nhưng không kịp. Bác nhẹ nhàng bảo: “Các chú không cần chuẩn bị, Bác đứng cùng anh em bộ đội được rồi”. Hôm ấy, Bác đứng suốt hơn 2 giờ, kể cho chúng tôi nghe về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa; ý nghĩa, tính chất quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế khi xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Rồi Bác quay sang trò chuyện với anh em Sư đoàn 338. Bác động viên anh em công tác tại nhà máy và nói về tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với tiền tuyến, đối với sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước…” - ông Thiện kể.
Lần thứ hai, ông gặp Bác là vào năm 1961. Khi đó, Bác yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương mời 6 học viên xuất sắc của miền Nam tập kết ra Bắc học tập đến dự lễ mít tinh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Ông vinh dự là một trong số đó. Ông Thiện cho biết: “Trong 6 người thì tôi may mắn hơn. Tôi được ngồi chung hàng ghế với Bác. Giữa tôi và Bác chỉ cách nhau 2 chuyên gia người Liên Xô và Trung Quốc. Buổi lễ diễn ra khoảng 45 phút. Vì được trực tiếp nhìn thấy Bác, ngồi gần Bác, nghe Bác nói, tôi cảm nhận rõ sự gần gũi, ấm áp từ vị Cha già của dân tộc”.
Cựu chiến binh Huỳnh Thế Thiện cho rằng: “Học Bác không cần những việc cao siêu, to tát, chỉ cần làm tốt từ những điều nhỏ nhất, như chấp hành giờ giấc và không lãng phí, quan liêu, tham nhũng. Là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi hành động, việc làm và gần dân, trọng dân và vì dân phục vụ”.
Trân trọng khoảng thời gian và nâng niu từng kỷ vật gắn liền với Bác, ngày nay, những người cựu chiến binh như ông Chi, ông Thiện vẫn luôn lấy tấm gương đạo đức của Người làm tiêu chí hành động. Các ông vẫn thường lần giở từng kỷ vật, nhắc nhớ các con sống và làm việc theo tấm gương đạo đức của Người.