Mỗi việc của Đảng cần phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ. Vì vậy Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng" (l). Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ; Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban.
Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác xây dựng Đảng. Thường vụ Bộ Chính trị (khoá VIII) đã đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.
Từ ngày thành lập đến nay, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng và nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, Ngành Kiểm tra của Đảng không ngừng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, ngày càng tô thắm thêm bề dày truyền thống vẻ vang của ngành.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: "Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội", vì vậy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến tháng 4/1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khoá II (tháng 3/1957) chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra của Chính phủ làm hai.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), Ban Kiểm tra được đổi tên thành uỷ ban Kiểm tra; Ủy ban kiểm tra được thành lập đến cấp quận uỷ, huyện uỷ và tương đương.
Trước yêu cầu nhiệm vụ của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 14/8/1969 tại Tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục Miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban; Hai Mai, Phó ban Tổ chức Trung ương Cục và Nguyễn Văn Trọng (Ba Trọng) làm uỷ viên, Nghị quyết nêu rõ: "Việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp nhằm phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự lãnh đạo, đề cao kỷ luật của Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và đảng viên đối với việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bảo vệ tổ chức, cán bộ và đảng viên, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong, làm cho tổ chức đảng trong sạch và vững mạnh để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình". Sau ngày 30/4/1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào Ủy ban kiểm tra Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Điều lệ Đảng quy định đảng uỷ cơ sở được cử Ủy ban kiểm tra. Như vậy, từ Đại hội V, Ủy ban kiểm tra được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở như hiện nay.
Từ ngày thành lập Ngành đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra được Đại hội toàn quốc của Đảng thảo luận, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng.
Từ một số nhiệm vụ phục vụ cấp uỷ kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc; xem xét những việc bất thường xảy ra, đến kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, kỷ luật Đảng, trái với đạo đức cách mạng và pháp luật Nhà nước; tăng cường kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết, thường gọi là kiểm tra chấp hành; kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên; xử lý và giúp cấp uỷ xử lý kỷ luật trong Đảng; kiểm tra tài chính của Đảng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện uỷ, quận uỷ và tương đương trở lên; quy định cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo Ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho Ủy ban kiểm tra các cấp. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Nghị quyết ra đời là một yêu cầu bức thiết, xuất phát từ đòi hỏi khách quan của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu số lượng các đồng chí thành viên Ủy ban là 21 đ/c (tăng 7 đ/c so với khóa X). Đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ngày 27/01/2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu số lượng các đồng chí thành viên Ủy ban là 21 đ/c. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, giữ chức vụ Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương thay đồng chí Trần Quốc Vượng.
Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có ba thành viên chuyên trách và một số cán bộ giúp việc, đến nay, Ngành Kiểm tra đã có hơn 6 nghìn cán bộ chuyên trách và gần 70 nghìn cán bộ kiểm tra kiêm chức. Qua các thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; liên tục, bền bỉ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành.
Với những thành tích xuất sắc đạt được trong 70 năm qua, nhiều tập thể, cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm tra của Đảng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng phần thưởng cao quý. Đặc biệt nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng, Ngành được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống 6/10 (1948-2008), Cơ quan uỷ ban Kiểm tra Trung ương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng bức Trướng mang dòng chữ "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, tận tụy".
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp uỷ giao, phục vụ nhiều cuộc vận động lớn về làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, như: cuộc vận động "3 xây, 3 chống"; về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản XHCN; về kiểm tra thực hiện "chế độ lãnh đạo có kiểm tra"; về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; về Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII; thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Từ sau Đại hội IX của Đảng đến nay, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thủ mưu, đề xuất chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hàng năm về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trên các lĩnh vực: chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; về xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai; về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về thực hiện quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí...
Bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn của cách mạng, công tác kiểm tra đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ truất, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong kháng chiến kiến quốc trước đây, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay. Thông qua việc kiểm tra để rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên, giáo dục cho mỗi cán bộ, đảng viên hoạt động trên các lĩnh vực, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn giữ tròn khí tiết, bản lĩnh người cộng sản, đạo đức cách mạng, trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Công tác kiểm tra không chỉ phát hiện, xử lý cái sai, đưa những phần tử thoái hoá, biến chất ra khỏi Đảng, mà còn phát hiện, khẳng định, tổng kết, biểu dương những tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc để nêu gương cho toàn Đảng.
Nhằm đáp những yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều hướng dẫn, Quy định, quy trình giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; các hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được kịp thời, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban kiểm tra Trung ương đã chỉ đạo Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban kiểm tra Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, nhất là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm và các nhiệm vụ Trung ương giao; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và hoạt động của toàn Ngành Kiểm tra. Ủy ban kiểm tra Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan, đồng thời chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ngành Kiểm tra.
70 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Kiểm tra nay là Ủy Ban Kiểm tra các cấp đã không ngừng được củng cố và phát triển, có tổ chức theo hệ thống từ Trung ương tới cơ sở đã xây đắp nên truyền thống vô cùng vẻ vang; “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp luôn trân trọng, giữ gìn, khắc phục khó khăn, gian khổ, đem hết tinh thần và nghị lực đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng vun đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng.