(QK7 Online) – Truyện, ký “Theo dấu chân Người” là tác phẩm vừa được GS. TS. Nhà văn Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông xuất bản. Năm 1996, quyển sách chính là lời hứa của tác giả với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rằng “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. Ba mươi năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là kho tàng rất hấp dẫn đó cháu”.
Chiều ngày 16/8, Giáo sư, Tiến sĩ Nhà văn Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông đã có buổi giới thiệu tác phẩm truyện, ký “Theo dấu chân Người”. Tham dự chương trình có Trung tướng Lưu Phước Lượng, Nguyên Chính ủy Quân khu 9; Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Tấn Phát, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, Thuyền trưởng Tàu không số huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển;…
Nhà văn Trịnh Bích Vân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM (bên phải) tặng hoa chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Nhà văn Trình Quang Phú (bên phải).
Ở tuổi 84, GS.TS. Nhà văn Trình Quang Phú mang đến cho độc giả cuốn sách thứ 6 viết về Bác Hồ đó là truyện ký “Theo dấu chân Người”. Truyện ký sẽ giúp độc giả hiểu nhiều hơn, đa chiều hơn về hành trình 30 năm ở nước ngoài của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tác giả thực hiện quyển sách trong suốt hàng chục năm qua, đã đi, sưu tập, ghi chép đối chiếu và miệt mài trên trang viết miệt mài bằng sự tâm quyết và sự kính trọng dành cho Bác Hồ.
Điều đặc biệt ở ông là khi biết bất kỳ điều gì, ông cũng sẽ tìm tòi tư liệu, đối chiếu thật kỹ. Và để viết “Theo dấu chân Người” nhà văn đã đến Anh, đến Pháp, đến Hoa Kỳ, đến Trung Quốc… nhiều nơi Bác đã sống, làm việc, học tập và hoạt động. Có những nơi ông đến cả chục lần như Pháp, như Nga.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ tại chương trình.
Trình Quang Phú làm liên lạc trong kháng chiến chống Pháp khi mới 12 tuổi, sau Hiệp định Genève 1954 ông tập kết ra Bắc. Từ những năm 1960-1962 ông đã bắt đầu bén duyên với trang viết, dành được giải nhì Ký sự báo Cứu Quốc và còn rất nhiều tác phẩm sâu sắc đạt giải thưởng danh giá khác. Đặc biệt, khi nhắc đến ông Trình Quang Phú, phải nhắc đến chặng hành trình miệt mài với những tác phẩm viết về Bác – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bạn bè và người thân chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư, Tiến sĩ Nhà văn Trình Quang Phú.
Tác phẩm đã viết về một giai đoạn lịch sử đầy chông gai của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng xúc động: sau khi đọc sách, chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Ngoài ra, tác phẩm còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ về nhân sinh quan cách mạng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, sự can đảm vượt qua mọi khó khăn vì nỗ lực thực hiện hoài bão lớn lao “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lê Tiến, Huy Hải