Vất vả đảo tiền tiêu
Dịp cuối năm này tôi trở lại Phú Quý, vừa dứt bão số 14, tiếp đến gió bấc tràn về làm chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo hết sức gian truân. Sóng dội từng đợt ầm ầm vào thân tàu. Tàu chao nghiêng, ngả qua trái, chưa hết cơn lại bật về phải, chồm lên trên, rồi đập giật ngược ra sau theo từng con sóng lớn. Ai nấy đều không giấu được nỗi sợ hãi trước cơn thịnh nộ của đại dương. Trừ vài người dân đảo làm nghề đánh bắt trên biển, tất cả hành khách trên chuyến tàu đều ói tới mật xanh, mật vàng. Tàu cập cảng ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm.
Ở đảo, buổi sáng biển chỉ lăn tăn vài con sóng. Nhưng chỉ vài giờ sau gió bắt đầu rít mạnh từng cơn, hàng dương oằn mình, biển ầm ào nổi sóng. Tôi ra trước Bãi Lăng thuộc xã Ngũ Phụng vừa ngắm sự dữ dội của sóng biển, vừa tham quan bờ kè. Kè chống xâm thực đảo qua 2 giai đoạn đầu tư với số tiền hơn 724 tỉ đồng. Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền gần 600 tỉ đồng, nâng cấp mở rộng đường giao thông trên đảo. Chương trình Biển Đông - hải đảo, nhiều công trình phục vụ dân sinh, an ninh, quốc phòng được đưa vào sử dụng nên nhân dân vô cùng phấn khởi.
Vào mùa này, tất cả các đơn vị đã chuẩn bị từ trước đó các nhu yếu phẩm, lương thực và nhất là hàng hóa cho bộ đội vui xuân, đón Tết. Vườn rau xanh, doanh trại, chuồng nuôi gia súc, gia cầm phải che chắn, gia cố lại. Thậm chí vọng gác đêm của bộ đội phải che thêm vài tấm bạt để chống rét và hơi muối mặn thổi vào. Đại úy Nguyễn Thái Quốc, Đại đội trưởng Đại đội Hỏa lực 3 thuộc Ban CHQS huyện Phú Quý, người được sinh ra và trưởng thành từ đảo, nên hiểu sự khắc nghiệt nơi đây: “Nhân dân và bộ đội chúng tôi ở đảo thì năm nào chẳng phải chống chọi với vài cơn bão, áp thấp, nhất là mùa gió thổi mạnh dịp cuối năm. Nhưng với sự chủ động các phương án và kinh nghiệm đối phó với thiên tai, nên khi có bão xảy ra thì cả bộ đội và Nhân dân cùng đồng lòng chống bão, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người".
Điểm tựa của huyện đảo
Sự phát triển của Phú Quý hôm nay có công sức rất lớn của những người lính đảo. Khi bà con gặp khó khăn thì bộ đội giúp đỡ, gặp hoạn nạn thì bộ đội không quản hiểm nguy, kịp thời có mặt để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Khi biển động cấm tàu thì nhường bớt phần gạo, phần rau cho dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, bộ đội đảo Phú Quý luôn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân.
Trong tiếng sóng ầm ào giữa không gian đảo là tiếng chuyển động của binh khí, khẩu lệnh của các lực lượng huấn luyện bảo vệ đảo trong mùa xuân này. Dựa lưng vào núi là ra-đa hải quân, điểm cao là ra-đa phòng không, được ví như “mắt biển giữa trùng khơi” phòng thủ đảo từ xa, từ sớm trên biển và trên không. Bên những sườn núi cheo leo, nắng gió thổi quanh năm luôn thường trực những đôi mắt của các chiến sĩ pháo binh, phòng không, bộ binh, chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Nắng, gió thao trường, hơi muối biển mặn không làm cho các chiến sĩ chùn bước. Khuôn mặt của họ có thể cháy nắng nhưng đôi bàn tay thêm phần vững chắc, yếu lĩnh động tác kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu thuần thục hơn.
Dường như sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm tăng thêm chất oai hùng của người lính đảo. Giúp họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong mọi tình huống. Người lính luôn hy sinh niềm riêng, nhận khó khăn về mình để nhân dân được yên vui, đất nước thanh bình vào xuân mới. Các anh nguyện hiến dâng sức trẻ, kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, bám trụ, ngày đêm canh giữ biển trời. Họ luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh của tuổi trẻ, mệnh lệnh từ trái tim mình, góp phần làm nên mùa xuân cho Tổ quốc.