Thăm lại chiến trường xưa, dưới bóng cây mát rượi, Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2) không khỏi nao lòng nhớ về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trong 12 ngày đêm diễn ra trận đánh ác liệt trên chiến trường Xuân Lộc. Dấu tích của chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng với ông, chiến trường Xuân Lộc ngày đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Vị tướng tuổi đã cao nhớ lại: “Chính tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng tôi xông pha trận mạc, đập tan chiến lũy án ngữ cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn và đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chiến tranh khốc liệt gắn liền với mất mát, đau thương và những chiến công vang dội…”.
Trong ký ức của Trung tướng Lê Nam Phong, trận chiến Xuân Lộc là cuộc đọ sức sinh tử của Sư đoàn 7 và các đơn vị Quân đoàn 4 với kẻ thù. Cứ điểm Xuân Lộc được trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại, quân số đông và được chi viện hỏa lực tối đa, bởi ngụy quyền xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Ngày ấy, Sư đoàn 7 được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu, đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 18 ngụy. Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được nhiều mục tiêu, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt bên trong bảo vệ khu vực đã chiếm…
Thời điểm đó, "chia lửa" cùng bộ đội chủ lực, các chiến sĩ Đội súng cối nữ Xuân Lộc cũng dũng cảm, kiên cường tiêu diệt địch. Có mặt trong đoàn người về thăm lại vùng “đất lửa”, bà Đỗ Thị Thuận (ngụ tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), nguyên Đội trưởng Đội súng cối nữ Xuân Lộc, kể lại: “Trong chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, đội chúng tôi được phân công sử dụng súng cối để yểm trợ bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, phá hủy các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh của địch dọc Quốc lộ 1, khu vực đồn Cầu Sập (xã Suối Cát ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào. Địch quyết cố thủ, ta quyết tấn công nên hai bên giằng co ác liệt. Đến 17 giờ 30 phút ngày 9-4-1975, đồn Cầu Sập, đồn Xuân Phú, ngã tư Ông Đồn bị ta tiêu diệt…".
Trước nguy cơ thất bại và không còn khả năng phòng thủ, ngày 18-4, quân địch rút khỏi Xuân Lộc, chỉ để lại một bộ phận nhỏ nhưng cũng tháo chạy vào đêm 20-4. Rạng sáng 21-4, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan hoàn toàn.
Thiết thực tri ân
45 năm trôi qua, công sức, máu xương của các thương binh, liệt sĩ trong trận đánh Xuân Lộc vẫn mãi được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và đồng đội trân trọng, khắc ghi. Ngay sau ngày giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, chính quyền, LLVT huyện Xuân Lộc đẩy mạnh thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; triển khai sâu rộng công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người có công. Đồng chí Trần Đình Dung, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Xuân Lộc, cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã huy động được hơn 9,2 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa 74 căn nhà tình thương, tình nghĩa; trao 32 xe đạp tặng học sinh nghèo; tặng gần 1.000 suất học bổng, 7 con bò giống, 356 thẻ bảo hiểm y tế, 210 bóng đèn chiếu sáng và hơn 5.500 phần quà…”.
Không chỉ thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công, huyện Xuân Lộc còn tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhờ đó ngày càng có thêm nhiều hoạt động tri ân, cải thiện đời sống các gia đình chính sách tại địa phương.
Đồng chí Viên Hồng Tiến, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi không chỉ nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị LLVT trong công tác phối hợp tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn nhận được sự giúp đỡ thiết thực, chung tay chăm lo gia đình chính sách, người có công, góp phần không nhỏ để vùng “đất lửa” năm xưa nở hoa, trở thành huyện nông thôn mới tiêu biểu trong cả nước".