Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 31 khu công nghiệp, diện tích khoảng trên 8.818 ha, với 1.327 dự án do nước ngoài đầu tư (FDI); hàng năm thu hút khoảng 850 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Tình hình trật tự xã hội tại các khu công nghiệp diễn biến phức tạp, nhất là khu vực nhà trọ; tình trạng đình, lãn công, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp, cướp giật tài sản…vẫn còn xảy ra, gây tâm lý lo lắng trong doanh nghiệp và người lao động.
Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, nhận thức đúng tình hình địa bàn, với vai trò tham mưu quản lý Nhà nước về quốc phòng, quân sự địa phương, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án, kèm theo Quyết định 3088 về xây dựng dân quân thường trực khu công nghiệp. Mục đích là tăng cường sự hiện diện của LLVT địa phương tại các khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, giữ vững trật tự xã hội, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Từ 2014 đến nay toàn tỉnh xây dựng được 17 trung đội, với hơn 450 cán bộ, chiến sĩ; có 4 chi bộ Đảng và 13 tổ Đảng, gần 60 đảng viên. Các địa phương thành lập được nhiều lực lượng dân quân khu công nghiệp như huyện Long Thành 4 trung đội; các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và Thành phố Biên Hòa mỗi địa phương đều thành lập được 3 trung đội…
Coi trọng lựa chọn xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng
Trung tá Phạm Văn Sang, Trưởng ban Dân quân tự vệ Bộ CHQS tỉnh cho hay, thực hiện mục tiêu của Đề án là phối hợp tăng cường giữ gìn trật tự tại các khu công nghiệp, vì vậy Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố lựa chọn, thẩm định bảo đảm chất lượng những công dân địa phương có phẩm chất đạo đức, năng lực, sức khỏe tốt; chú trọng nguồn phát triển Đảng, có trình độ nhận thức, phương pháp, tác phong công tác, học tập, huấn luyện tốt… để đưa vào lực lượng.
Theo Thượng tá Ngô Quang Thuấn, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh để sử dụng tốt lực lượng dân quân thường phải được tổ chức biên chế và huấn luyện chuyên môn chặt chẽ. Đến nay, sau 6 năm thực hiện Đề án toàn tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 100 cán bộ; huấn luyện 12 đợt, cho gần 1.900 lượt chiến sĩ; nội dung huấn luyện, ngoài chương trình quy định tại Luật Dân quân tự vệ, đơn vị chú trọng huấn luyện võ thuật, các phương án bảo vệ mục tiêu như, trụ sở, kho xưởng; kinh nghiệm trong phòng cháy, chữa cháy, khắc phục hậu quả thiên tai; nhất là kinh nghiệm xử lý các tình huống về trật tự xã hội…
Từ năm 2014 đến nay, lực lượng này phối hợp công an, bảo vệ tuần tra được 73.952 lần, với 221.856 lượt người tham gia; tham gia bắt giữ 332 đối tượng vi phạm an ninh, trật tự.
Ông Phan Bùi Hùng, Tổng vụ Công ty cơ khí Chính Xác, khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cho biết, thời gian qua đơn vị sản xuất ổn định được là nhờ lực lượng bảo vệ, tự vệ của công ty phối hợp tốt với lực lượng dân quân và công an trong giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Bảo đảm tốt chế độ chính sách và trang bị
Theo đề án của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng, phải bảo đảm tốt các mặt hoạt động cho lực lượng, yếu tố quan trọng hàng đầu là bảo đảm nơi đóng quân, chế độ, chính sách và trang bị hoạt động. Trung tá Phạm Văn Sang, Trưởng ban Dân quân tự vệ Bộ CHQS tỉnh cho biết thêm, đến nay có 11/17 trung đội xây dựng xong trụ sở mới khang trang, sạch, đẹp, trung bình mỗi trụ sở khoảng 3,5 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành xong việc xây dựng trụ sở làm việc của lực lượng này.
Tỉnh đầu tư mua sắm xe máy, trang bị giường, chiếu, phương tiện nghe, nhìn…bảo đảm đời sống vật chất tinh thần. Ngoài ra, chế độ chính sách luôn được quan tâm đặc biệt, cùng với phụ cấp hàng tháng, chi trả ngày công lao động, trợ cấp ốm, đau… theo Luật Dân quân tự vệ, được hỗ trợ bảo hiểm y tế và các chế độ trợ cấp khác… trong các dịp lễ, tết để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Trang bị công cụ hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, phục vụ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.