Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959/3-3-2018), 29 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989/3-3-2018)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Với đặc điểm đội ngũ cán bộ BĐBP đông, đa dạng, nhiều ngành nghề, nhiều vùng miền, địa phương, dân tộc; công tác cán bộ (CTCB) triển khai nhiều nội dung, trên phạm vi địa bàn rộng, liên quan trực tiếp đến các địa phương, trong khi yêu cầu xây dựng về tổ chức, biên chế của quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh... đặt ra cho Đảng ủy BĐBP một quyết tâm chính trị lớn.
Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước’’ và Kết luận số 37-KL/TW, ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020’’; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV, Đảng ủy BĐBP đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đảng ủy BĐBP, cấp ủy các cấp luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị, quy chế, hướng dẫn của cấp trên về CTCB. Cấp ủy các cấp thống nhất lãnh đạo CTCB và quản lý ĐNCB đi đôi với phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cơ quan cán bộ các cấp, các ngành trong BĐBP. Mọi vấn đề về cán bộ và CTCB đều được tập thể thường vụ, đảng ủy bàn bạc thảo luận dân chủ, công khai.
Những năm qua, Đảng ủy BĐBP đã ký quy chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy BĐBP ký quy chế phối hợp với ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy các địa phương có biên giới, bờ biển, qua đó góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm và chuyển ra đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố; kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, tư tưởng cục bộ, địa phương khép kín, cá nhân chi phối những vấn đề về cán bộ và CTCB, đề ra phương hướng, mục tiêu xây dựng ĐNCB trong từng giai đoạn.
Với các chủ trương, giải pháp, biện pháp đồng bộ, toàn diện, đến nay, ĐNCB của BĐBP được xây dựng cơ bản đủ theo biên chế; cơ cấu được bảo đảm (cán bộ người dân tộc thiểu số tăng 2,25%, cán bộ nữ tăng 0,38% so với năm 2008; tỷ lệ cán bộ tại chỗ địa bàn phía Nam cơ bản ổn định, đạt 42,19%; tỷ lệ cán bộ cấp tá giảm 7,5%, tỷ lệ cán bộ cấp úy tăng 9,69% so với năm 2008). Chất lượng cán bộ được nâng lên rõ rệt (tỷ lệ đảng viên tăng 1,79%, tỷ lệ cán bộ qua đào tạo cơ bản tăng 1,32%; tỷ lệ phó giáo sư, tiến sĩ tăng 0,09%, thạc sĩ tăng 1,66%, đại học tăng 12,03%, cao đẳng giảm 9,18% so với năm 2008). Tuyệt đại đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tinh thần trách nhiệm cao; trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng tốt hơn; đã khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, các tỉnh phía Nam và địa bàn trọng điểm.
Tuy nhiên, một số cấp ủy quán triệt chủ trương, phương hướng công tác quy hoạch cán bộ chưa đầy đủ, nguồn cán bộ chỉ huy quản lý có đơn vị còn mỏng, hẫng hụt, còn biểu hiện khép kín. Điều hành quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, có lúc, có nơi còn lúng túng. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số đơn vị chưa làm tốt việc tạo nguồn từ xa, từ nhiều hướng; chất lượng nguồn đào tạo hằng năm (nhất là số đào tạo dài hạn cấp trung, sư đoàn và nguồn đi học nước ngoài) có trường hợp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Công tác quản lý, đánh giá cán bộ có lúc, có nơi còn biểu hiện đơn giản, thiếu khách quan, toàn diện; một số cấp ủy và cán bộ chủ trì chưa thực hiện nghiêm quy định về phân cấp quản lý cán bộ….
Đứng trước yêu cầu mới, Đảng ủy BĐBP xác định: Xây dựng ĐNCB có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh; có trình độ kiến thức toàn diện, năng lực chỉ huy và tổ chức hoạt động thực tiễn tốt, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp, có số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng sự phát triển về nhiệm vụ, tổ chức, trang bị vũ khí của BĐBP trong tình hình mới.
Đảng ủy BĐBP đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, về số lượng, bảo đảm tỷ lệ thừa thiếu theo chức danh không quá 5%; về cơ cấu, phấn đấu ĐNCB chỉ có sĩ quan; tăng tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số từ 14% đến 15% so với đội ngũ, tập trung cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tăng tỷ lệ cán bộ tại chỗ, nhất là các tỉnh phía Nam, phấn đấu đạt tỷ lệ 70% trở lên. Về chất lượng, xây dựng ĐNCB có chất lượng toàn diện, có trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng; yên tâm gắn bó với lực lượng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ được đào tạo cơ bản, 97% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 100% giảng viên Học viện Biên phòng có trình độ đại học, trong đó có 50% thạc sĩ, 30% tiến sĩ...
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Đảng ủy BĐBP đề ra các giải pháp cụ thể như: Chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết số lượng, điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng ĐNCB. Thực hiện nghiêm biểu biên chế tổ chức BĐBP theo quyết định của Bộ Quốc phòng, chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải quyết số lượng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ 5 năm chặt chẽ, khả thi, sát với tình hình ĐNCB và CTCB của từng đơn vị; cân đối giữa số lượng bổ sung vào ĐNCB và số chuyển ra; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ về số lượng.
Nâng cao chất lượng tạo nguồn, tuyển chọn nguồn đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ. Thực hiện đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ gắn với trình độ học vấn tương ứng ở tất cả các cấp học; đồng bộ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo cán bộ có trình độ đại học là chủ yếu, kết hợp với các trình độ khác để đáp ứng yêu cầu cán bộ tại chỗ theo địa chỉ vùng, miền, cán bộ dân tộc. Coi trọng tạo nguồn đào tạo cán bộ cấp đồn, chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố và tương đương. Tăng cường đào tạo cao cấp lý luận chính trị để nâng cao trình độ và hoàn thiện tiêu chí cho cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy quản lý các cấp.
Quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ 5 năm đầu nhiệm kỳ; điều hành thực hiện nghiêm quy hoạch; hằng năm rà soát, bổ sung quy hoạch bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, đoàn kết, có kế thừa và phát triển, mỗi chức danh phải có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, trong đó có 1/3 độ tuổi trẻ; thực hiện tốt việc luân chuyển để bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch; tiến hành bổ nhiệm thực quyền cho cán bộ trong quy hoạch khi luân chuyển, gắn với quy định thời gian thích hợp để cán bộ rèn luyện và khẳng định phẩm chất, năng lực trên cương vị được giao. Lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với cán bộ bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng.
Trải qua 59 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của BĐBP, trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là dịp để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong BĐBP rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt CTCB và xây dựng ĐNCB BĐBP trong giai đoạn tiếp theo. Đây là yếu tố then chốt để BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện.
Thiếu tướng ĐỖ DANH VƯỢNG
(Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng)
Nguồn: qdnd.vn