Tìm hiểu con đường cứu nguy cho dân tộc của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, chúng tôi đến ấp Hoa Lư, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là địa điểm đầu tiên mà ngày 21/6/1977, Trung đoàn phó Quân khu Đông - Hun Sen cùng 4 đồng chí của mình đặt chân đến, khi quyết định rời hàng ngũ Khơme Đỏ, vượt biên giới sang Việt Nam tìm đường cứu nguy cho dân tộc.
Nhà văn hóa xã Lộc Thạnh, món quà tri ân sâu sắc mà Thủ tướng Hun Sen gửi tặng người dân xã Lộc Thạnh đã đón tiếp ông cùng đồng đội bằng một bữa cơm no sau hành trình dài ngày vượt biên giới đói khát. Cây gõ đỏ do chính tay ông trồng trong khuôn viên Nhà văn hóa được ông đặt tên là Cây Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Được Chính phủ Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là lực lượng vũ trang Quân khu 7 và nhân dân tỉnh Đồng Nai bao bọc, giúp đỡ, ngày 12/5/1978, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp nhau lại dưới sự chỉ huy của đồng chí Hun Sen, thành lập nên Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, đã sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7 tháng 1 năm 1979, xóa bỏ chế độ diệt chủng đem lại sự hồi sinh cho dân tộc Campuchia.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu khẳng định: “Chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự tồn vong và phát triển thịnh vượng của dân tộc Campuchia. Đây là thắng lợi chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, thắng lợi của chân lý, vì lương tâm và phẩm giá của con người, khép lại trang sử đau thương của Campuchia, mở ra một thời kỳ mới: ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Tình đoàn kết chiến đấu của Nhân dân Việt Nam và Campuchia sẽ mãi mãi được lịch sử khắc ghi. Càng trong gian nan, thử thách, mối tình đó càng khăng khít, bền chặt. Tội ác của bè lũ Pôn Pốt cuối cùng đã bị luật pháp quốc tế trừng phạt thích đáng. Đó là minh chứng sống động, khẳng định chính nghĩa sáng ngời và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Việt Nam dành cho Campuchia, nhiều tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã được xây dựng trên đất nước Campuchia như là minh chứng sống động cho mối quan hệ “tình sâu nghĩa nặng” giữa hai nước.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân đội Hoàng gia Campuchia xây dựng Nhà lưu niệm Sở chỉ huy Mặt trận 479/Quân khu 7 trên địa bàn tỉnh Siem Riệp. Chính tại nơi này, từ năm 1979-1989, Bộ Tư lệnh Mặt trận 479 đã chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam kề vai, sát cánh cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia chiến đấu và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của Pôn-pốt và các thế lực thù địch, giúp xây dựng và hồi sinh đất nước Campuchia.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm Sở chỉ huy Mặt trận 479, Quân khu 7 trên địa bàn tỉnh Siem Riệp năm 2019.
Các đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Sở chỉ huy Mặt trận 479, Quân khu 7.
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã thiết lập chế độ hợp tác song phương với lực lượng vũ trang Quân đội Hoàng gia Campuchia trên nhiều lĩnh vực như phân giới cắm mốc; trao đổi đoàn công tác; giao lưu học tập kinh nghiệm công tác quân sự, chính trị; thiết lập cơ chế biên phòng 3 cấp, tuần tra chung, phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân sinh sống khu vực biên giới… Trong đó, nổi bật là hai bên đã phối hợp tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia vào cuối năm 2019, làm cơ sở quan trọng để phối hợp xử lý hiệu quả các sự cố thiên tai nếu xảy ra trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Việt Nam - Campuchia luôn kề vai, sát cánh, cùng nhau san sẻ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, vun đắp cho truyền thống “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” đã được xây dựng hơn nửa thế kỷ qua.
Quân khu tặng quà phòng chống Covid-19 cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Việc hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường tuần tra biên giới đã kết nối các tuyến đường dân sinh tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, thông suốt từ nội địa đến các xã biên giới, tạo điều kiện cho kinh tế vùng biên phát triển.
Tín hiệu lạc quan về cuộc sống ấm no nơi vành đai biên giới khẳng định hiệu quả của chủ trương “đưa dân lên biên giới sinh sống” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Từ các điểm dân cư này, trong thời gian tới sẽ phát triển thành các thôn, ấp biên giới giàu mạnh, góp phần to lớn trong xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.