Ngày 21.2.2022, UBND tỉnh Tây Ninh có Công văn số 640/UBND-KGVX đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm dịch vụ di động 5G trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, nhằm thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26.1.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 29.3.2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo thống kê của Viettel, toàn tỉnh có gần 30.000 thiết bị 5G và 60.000 thiết bị 4G/3G. Số lượng máy 5G hiện có tỷ trọng lớn tập trung vào các hãng Apple (56%), Samsung (20%), Oppo (8%) và Xiaomi (6%).
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của 5G trong năm 2022 và các năm tiếp theo, các thiết bị đời sau đều được thiết kế có sẵn công nghệ 5G (trước đây chỉ máy đời cao, thiết bị đắt tiền mới có 5G). Hướng tới tương lai gần, tất cả người dân sẽ được trải nghiệm 5G một cách tốt nhất.
Từ tháng 5.2019, Viettel hoàn thành cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời tiến hành nhiều kế hoạch thử nghiệm, đánh giá về mặt tính năng kỹ thuật, công nghệ cũng như kinh doanh thử nghiệm dịch vụ 5G. Đến nay, 18 tỉnh đã phát sóng, trong đó có 5 thành phố thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và 13 tỉnh khu công nghiệp, dịch vụ du lịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng và Tây Ninh.
Lộ trình từ năm 2022 đến năm 2026, cùng với việc bổ sung băng tần 2,3 GHz phát triển hạ tầng 4G và cấp phép mạng 5G, tốc độ di động của Việt Nam được nâng lên và vùng phủ sóng cũng được cải thiện, mạng 5G của Viettel được bảo đảm chất lượng cung cấp tốc độ trên 100 Mb/s và sẽ phủ sóng 100% ở khu công nghiệp, cảng biển, sân bay. Mục tiêu đến năm 2026 cơ bản 90% dân số sẽ được phủ sóng di động và triển khai 5G tại các trạm lưu lượng cao nhất ở 40% số xã, phường, thị trấn.
Tăng tốc, đẩy nhanh chuyển đổi số
So sánh giữa 5G với 4G, Trung tá Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Viettel Tây Ninh cho biết: “Mạng 5G có tốc độ gấp 10 - 50 lần 4G. Về lý thuyết, tốc độ 5G có thể đạt đến 10 Gbp/s thậm chí cao hơn, ngay cả ở vùng rìa phủ sóng, tốc độ vẫn có thể đạt từ 1 đến vài trăm Mb/s”.
Với độ trễ cực thấp, công nghệ mạng 5G có thể tải dữ liệu tối thiểu 50 Mb/s, độ trễ 10 mili giây, tốc độ này nhanh hơn nhiều so với tốc độ tải dữ liệu trung bình hiện tại của công nghệ mạng 4G là 15 Mb/s, độ trễ 50 mili giây.
Tốc độ này sẽ đáp ứng các điều kiện tự động hoá như xe không người lái, robot tự động, phẫu thuật từ xa… Song song đó, các thiết bị thông minh như: điện thoại thông minh, máy móc hạng nặng, mạng cảm biến sử dụng trong các toà nhà, thành phố, nông trại, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đều được kết nối các thiết bị cá nhân người dùng và giữa các thiết bị máy móc với nhau, giảm thiểu đối đa tình trạng gián đoạn giữa các thiết bị.
Trung tá Phạm Thanh Sơn cho biết thêm, lắp đặt 5G là nhiệm vụ của doanh nghiệp cùng với chính quyền và người dân trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc quản lý điều hành có hiệu quả của chính quyền, mang lại nhiều dịch vụ tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Viettel đã và đang tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng 5G tại các khu vực trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng đáp ứng toàn bộ các loại hình kết nối cho tất cả mọi người, cho vạn vật.
Việc triển khai 5G tại Tây Ninh là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và cam kết của Viettel trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ tại Tây Ninh.
“So với nhu cầu của người dân và tốc độ phát triển của Tây Ninh, việc triển khai 5G trên diện rộng và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật- IoTs là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tôi cho rằng công cuộc triển khai chuyển đổi số toàn dân mới chỉ “bắt đầu”, rất nhiều nhiệm vụ cần phải triển khai trong 5 năm, 10 năm nữa”- Trung tá Sơn nhấn mạnh.
Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ phát triển không ngừng trên toàn thế giới, trong tất cả các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống, xã hội. Việc “chuyển đổi số”, xây dựng “chính phủ số”, “xã hội số”, “kinh tế số” là những nội dung được quan tâm hàng đầu và là con đường, là mục tiêu phát triển tất yếu.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số DTI (Digital Transformation Index) năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tây Ninh đứng thứ 46/63 tỉnh/thành phố, trong đó trụ cột chính quyền số đứng thứ 37 toàn quốc, thứ hạng điểm số 3 trụ cột DTI của Tây Ninh còn thấp, cụ thể về chính quyền số xếp hạng 32, kinh tế số hạng 57 và xã hội số xếp hạng 53.
Năm 2022 là năm tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, được đánh dấu bằng việc Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26.1.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “Tây Ninh cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng”.
Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình hành động của tỉnh đặt ra đến năm 2025 là: “Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh, internet, hướng đến tỷ lệ điện thoại thông minh/100 dân đạt 100%”.
Vì vậy, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Tây Ninh trên các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật số; dữ liệu và nền tảng số; chính quyền số sẽ là động lực dẫn dắt phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số tại Tây Ninh, đồng thời là mục tiêu nhằm hiện thực hóa, góp phần xây dựng xã hội số tại Việt Nam.