Trong ngành xây dựng, xi măng là thành phần vật liệu quan trọng trong các công trình và là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi để xây cầu, nhà, kênh, cống. Ngoài ra, vật liệu này còn có thể sử dụng để làm vữa chà ron gạch, đá mài, đá rửa hoặc là điêu khắc và tạo bê tông trang trí.
Từ năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tự sản xuất đủ clinker, xi măng phục phụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, Việt Nam hình thành những nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ sản xuất xi măng thế giới khi đạt công suất khoảng 100 triệu tấn/năm, đứng thứ 3 toàn cầu (theo số liệu năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ). Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xi măng lớn nhất trên thế giới gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây về việc đánh giá cung cầu xi măng năm 2024 và dự báo cân đối cung cầu năm 2025, Bộ Xây dựng dự báo đầu ra cho xi măng sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30 - 35 triệu tấn.
Hiện cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế đạt 122 triệu tấn/năm, hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2025 (bao gồm cả xi măng tiêu thụ nội địa và clinker, xi măng xuất khẩu).
Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 khoảng 100 triệu tấn
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra các giải pháp nhằm bình ổn thị trường xi măng trong năm 2025.
Cụ thể, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ đạo các cơ sở sản xuất xi măng triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác triển khai đầu tư các dự án tận dụng nhiệt khí thải trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện, việc tự túc một phần sản lượng điện; dự án tận dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp, rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành Xi măng.
Nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sunfat phục vụ nhu cầu xây cho các công trình ven biển và hải đảo.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới nhằm điều chỉnh sản xuất phù hợp, giữ giá bán ổn định và xây dựng chiến lược dài hạn cho sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện bình ổn, cân đối cung - cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu, là đầu vào của sản xuất xi măng như điện, than, xăng, dầu.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các chính sách bảo hộ thương mại không công bằng của một số nước về nhập khẩu clinker và xi măng của Việt Nam; chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng; Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cấp điện theo nhu cầu cho sản xuất xi măng.
Thiên An