Ảnh minh hoạ
Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam 2024, ông Lương Văn Khôi cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều sự bứt phá trong năm 2024. Điều này đến từ sự điều hành quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã có những phiên họp thường kỳ hàng tháng để tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công. Kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh trong 11 tháng đầu năm, tăng cao hơn năm 2023 và xấp xỉ 2022, đủ thấy sự bứt phá về xuất khẩu.
Bên cạnh sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, thì nhu cầu của thế giới trong năm nay cũng tăng mạnh, dẫu có nhiều biến động về chính trị.
Cùng với đó là sự tăng mạnh của dòng vốn đầu tư vào thị trường bitcoin Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt trên 21 tỷ USD. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với tỷ lệ đăng ký mới đã giảm đi nhiều trong 9 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, nếu nhìn con số về vốn đầu tư mới vào thị trường, sẽ thấy rất xán lạn. Tăng trưởng của khu vực đầu tư tư nhân, từ những năm Covid đến nay đã tăng mạnh từ dưới 50% lên trên 50%. Trong khi đó, do ảnh hưởng từ những biến động chính trị thế giới và dịch Covid-19, đầu tư khu vực nhà nước và FDI giảm. Điều đó cho thấy mức độ đầu tư, giải ngân của khu vực ngoài nhà nước là rất mạnh, dẫu đối diện với biến động. “Tôi cho rằng đây là động lực rất lớn cho kinh tế Việt Nam”, ông Khôi nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số rất mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. “Đây cũng là yếu tố kích thích tăng trưởng. Tôi tính toán rằng trong những ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực, mũi nhọn, doanh nghiệp có thực hiện tự động hóa sẽ có năng suất cao hơn so với các doanh nghiệp không tự động hóa. VD như ngành thép, năng suất tăng 50%. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho sản phẩm, tổ chức, quy trình cũng có năng suất tăng cao so với các doanh nghiệp không thực hiện đổi mới sáng tạo”, ông Khôi nhấn mạnh.
Với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP 8%, ông Khôi cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được. “Bên cạnh cơ hội, sẽ còn có những thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi tin rằng sẽ tạo những tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam năm 2025. Con số tăng trưởng 8%, theo tôi nghĩ, là không khó để đạt được”, ông Khôi dự đoán.
Thị trường xuất khẩu sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh, do hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, AVFTA,...
Với nhiệm kỳ mới của tổng thống Donald Trump, dù có chính sách ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm có lợi ở việc chuyển dòng vốn đầu tư từ nước láng giềng (Trung Quốc) sang. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những chính sách của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, AI,...
Mặt khác, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các công nghệ, kỹ thuật của Cách mạng 4.0. “Theo tôi biết, tới đây Việt Nam sẽ ban hành Nghị định về AI, trước đây ta đã có NĐ 52 về chuyển đổi số đang được triển khai và có tác động tích cực. Với đóng góp của Cách mạng 4.0 và công nghệ số, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 4.7 tỷ USD, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm”, chuyên gia này phân tích.
Vị này cho rằng, Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông lâm thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng đang có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của xã hội. Đặc biệt với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, môi trường kinh doanh sẽ được tháo gỡ nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Khôi cũng dự báo, trong năm 2025, khu vực tư nhân sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với vốn đầu tư tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, đầu tư từ nhà nước sẽ là mồi dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển. VD, trong năm 2025, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng liên kết vùng sẽ tăng rất mạnh với các công trình lớn như tàu Bắc - Nam, điện hạt nhân,... Hạ tầng giao thông liên kết sẽ tạo ra mối liên kết giữa các vùng, tạo các vành đai công nghiệp, thúc đẩy mức độ lưu thông hàng hóa rất lớn. Đặc biệt trong năm 2025, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện rất lớn cho tăng trưởng.
Nhìn chung, có thể thấy xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vốn FDI tăng trưởng mạnh là những động lực tăng trưởng truyền thống cho kinh tế Việt Nam năm 2025. Bên cạnh đó, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đang là những động lực mới tạo ra sức tăng trưởng rất mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, hiệu quả của khối doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Sự kém hiệu quả này có 2 nguyên nhân: yếu tố nội tại của doanh nghiệp (chiến lược kinh doanh, nhân sự, máy móc,...) và yếu tố ngoài doanh nghiệp (môi trường đầu tư, chính sách, diễn biến chính trị thế giới,...). Nếu hiệu quả kinh doanh được cải thiện, thì có thể làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm 1,26%. Ở đây, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ phát huy hiệu quả lớn trong sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng. “Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, đó sẽ là tiền đề rất tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2025”, ông Khôi nhận định.
Tâm An