Lịch sử dân tộc Việt Nam là quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước, đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Từ khi có Đảng lãnh đạo, lịch sử hào hùng của dân tộc ta được tiếp nối bằng những mốc son chói lọi với biết bao chiến công hiển hách. Tháng 11/1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.
Trước âm mưu, hành động ngang ngược của kẻ thù, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào, trong đó Người khẳng định rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.
Đồng thời, nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân lên sức mạnh toàn dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân, toàn quân, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù xâm lược. Bằng sức mạnh tổng hợp đó, chúng ta đã kìm được chân địch ở lại trong các đô thị một thời gian khá dài, tạo điều kiện cho các cơ quan của Trung ương, Chính phủ và các tổ chức di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lập nên bao kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Đông Dương. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Từ thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với mốc son lịch sử của những ngày Toàn quốc kháng chiến, do nhiều nhân tố hợp thành; trong đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo, phát huy sức mạnh toàn dân tộc là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời cách đây đã 75 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong đó, bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, lấy dân là gốc vẫn còn nguyên tính thời sự.
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, đòi hỏi Đảng ta có định hướng, chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng ta nhận định, trong những năm tới, trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Trong nước, dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Trên cơ sở tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đã khẳng định: với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được trong quá trình đổi mới, “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời, Đại hội đã đề ra hệ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong hoạch định lộ trình đưa đất nước ta tiếp tục quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI với các mốc thời gian mang dấu ấn các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc: “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Những mục tiêu nêu trên được xác định trên cơ sở luận chứng khoa học, đặc biệt là tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình Đảng ta lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong đó vấn đề bao trùm, xuyên suốt được khẳng định là: vai trò lãnh đạo của Đảng cùng với sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới; chủ thể và vị trí trung tâm của toàn bộ quá trình đổi mới là nhân dân, nhân dân là gốc, phải tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Đảng phải dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ.
Công cuộc xây dựng đất nước ta hiện nay, đòi hỏi cần quán triệt, vận dụng sâu sắc bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện nhất quán quan điểm lấy “dân làm gốc” trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, quán triệt rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào hoạt động chủ đạo thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dân thụ hưởng chính là thể hiện mục đích cuối cùng của Đảng đó là phục vụ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Việc bổ sung điểm mới này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm khích lệ tinh thần tích cực của Nhân dân, phát huy vai trò, vị trí của người dân trong khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường của dân tộc. Đây không chỉ là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn mà còn là bước tiến mới trong phát triển tư duy về Nhân dân. Thực tế đó là quy luật khách quan, dân làm thì dân phải được thụ hưởng, còn nếu làm mà không thụ hưởng thì không ai muốn làm. Lợi ích cá nhân luôn kích thích con người lao động, sáng tạo, tuy nhiên nó chỉ trở thành động lực cho phát triển khi lợi ích cá nhân vận động cùng chiều với lợi ích quốc gia - dân tộc. Người dân cần phải được thụ hưởng những gì họ đóng góp, xây dựng nên. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân. Để chủ trương này đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của Nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách. Như lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.
Hai là, phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố tích cực mới có thể nảy nở như hoa mùa xuân. Vì thế, biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất của tư tưởng lấy “dân làm gốc” hiện nay chính là nói “không” với tham nhũng và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, triệt tiêu “lợi ích nhóm”. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm “tiếp nhiệt” cho “lò” chống tham nhũng đang rực cháy. Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định rõ việc xây dựng Đảng về đạo đức: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”.
Đảng cũng chủ trương cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, Đại hội XIII đã có bước cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bằng việc phát huy vai trò giám sát, đánh giá của nhân dân trong xây dựng Đảng, nhà nước.
Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh, không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân, của thế trận chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao; khi đất nước xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, v.v. Vì thế, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh vững mạnh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ sơ sở; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đặc biệt là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Để có thắng lợi vẻ vang ngày hôm nay, Đảng ta và nhân dân ta đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Biết bao cán bộ, đảng viên, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu, nêu cao khí phách anh hùng của giai cấp tiên phong và của dân tộc, nêu cao lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Những tấm gương ngời sáng đó sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và muôn đời sau.
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, càng thêm phấn khởi, tự hào, trân trọng những gì đã làm được để tiếp tục ra sức phát huy; đồng thời, chúng ta cũng nghĩ suy, trăn trở về những gì chưa làm được để quyết tâm khắc phục, sửa chữa; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được: Độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân; về giá trị của hoà bình và phát triển; càng tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của chúng ta nhất định thành công vì chúng ta có sức mạnh từ cội nguồn lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; có Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại; có Nhân dân dũng cảm, cần cù, sáng tạo đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước.
Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Chính trị, Học viện Lục quân