Đại tá Thọ đã gặp phi công F105 Howard Bodenhamer, người có đôi “mắt xanh” ông nhìn thấy cách đây 51 năm trong trận ngày 19/4/1967. Họ nhận ra nhau qua những chi tiết của trận đánh và họ đã trở thành bạn của nhau khi tuổi đã về chiều.
Cựu phi công Mỹ trong buổi gặp mặt đã tham gia trận không chiến ngày 23/8/1967, ngày mà phía Mỹ gọi là “Ngày thứ Tư đen tối”, đấy là phi công F105 David Waldrop. Trong trận này ông đã bắn rơi 1 MiG17, phi công Lê Văn Phong hy sinh. Cũng như Randy Cunningham, ông đã khóc mỗi khi nói về trận đánh đó.
Cũng trong buổi gặp mặt này, người được giới truyền thông Mỹ tuyên truyền bắn rơi Đại tá Toon, phi công huyền thoại của Việt Nam đã hạ 13 máy bay Mỹ - ông Randy Cunningham, đã được Đại tá Thọ kể lại các tình huống của trận đánh ngày 10/5/1972 mà Đại tá Thọ là Biên đội trưởng Biên đội MiG17. Ông R.Cunningham xác nhận các chi tiết và hỏi thêm một số diễn biến của trận đánh. Sau khi được Đại tá Thọ trả lời những vấn đề nêu ra, ông R.Cunningham phần nào đó đã có thêm câu trả lời về truyền thuyết Đại tá Toon. Khi nhắc về trận không chiến với liệt sĩ phi công Trà Văn Kiếm, một lần nữa nước mắt của ông lại rơi. Ông cảm thấy rất may mắn khi máy bay của Đại tá Thọ hết đạn nên không bắn rơi ông.
Lần đầu tiên tham dự trong các cuộc gặp mặt, giao lưu giữa cựu phi công hai nước, Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Lê Hải kể về một trong những trận đánh của ông, trận đánh mà ông nổ súng ở cự ly rất gần: dưới 40m, đây cũng có thể là kỷ lục thế giới.
Để phục kích, tạo thế bất ngờ, sáng ngày 19/11/1967, Biên đội MiG17: Hồ Văn Quỳ - số 1, Lê Hải - số 2, Nguyễn Đình Phúc - số 3, Nguyễn Phi Hùng - số 4 bí mật cất cánh, bay thấp ở độ cao 50m, không dùng đối không liên lạc; Biên đội hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An để sửa chữa gấp sau khi bị địch đánh hỏng nặng.
Phán đoán địch sẽ đánh Hải phòng, Sở chỉ huy (SCH) cho Biên đội vào cấp 1. Lúc 11 giờ 02 phút, Biên đội cất cánh, khi này máy đối không của số 1 bị hỏng, không liên lạc được, SCH lệnh cho số 2 Lê Hải lên dẫn đội. SCH dẫn Biên đội vào hướng tiếp cận có lợi và liên tục thông báo vị trí máy bay địch. Phát hiện mục tiêu, SCH ra lệnh vứt thùng dầu phụ và tăng tốc độ. Lúc này Biên đội ở độ cao 3000m, tốc độ 850km/h. Nghe thông báo có MiG xuất hiện, tốp máy bay A4 vội vã vứt bom bừa bãi và rút chạy ra biển, còn tốp F4 đi đầu vòng ra biển để kéo MiG17 ra xa đội hình A4, tốp F4 phía sau lao vào Biên đội MiG17.
Quan sát thấy 1 chiếc F4 đang vòng ra biển, Lê Hải quyết định tiếp cận mục tiêu bằng cách “chui” xuống dưới bụng máy bay địch. Bị cánh máy bay che khuất nên phi công F4 không thể nhìn thấy MiG17 của Lê Hải, anh bình tĩnh ngắm, bắn liền một loạt nhưng đạn bay hơi thấp. Chỉnh lại đường ngắm và bắn loạt thứ 2, máy bay địch xì khói ở thân. Lê Hải bắn thêm loạt ngắn nữa, chiếc F4 như dừng lại, có lẽ động cơ bị phá hỏng, MiG17 tiếp cận mục tiêu rất nhanh. Lê Hải nhìn rõ chữ trên cánh, và phù hiệu Không quân Hải quân Mỹ đã bị trúng đạn. Máy bay F4 vẫn chưa bùng cháy. Tiếp cận đến cự li rất gần, chỉ còn khoảng 150m nữa là hai máy bay có thể đâm vào nhau, F4 vẫn còn bay. Lê Hải bắn loạt cuối ở cự li 30m - 40m. Tất cả đạn đều xuyên vào chiếc F4. Không một viên nào nổ. Để bảo đảm an toàn cho phi công, đạn 37mm và 23mm của MiG17 khi bắn mục tiêu gần hơn 50m sẽ không phát nổ, trở thành đạn xuyên.
Bắn xong, Lê Hải chỉ còn kịp phản ứng đẩy cần lái chui qua bụng chiếc F4, động cơ của nó vẫn phun khói đen ngòm, anh cảm thấy hai đuôi sau của chiếc F4 như hai tấm phản vút qua đầu và đinh ninh đuôi đứng của MiG17 bị cắt rời. Một giây định thần, anh đạp thử bàn đạp và thấy máy bay vẫn theo sự điều khiển. Sau 4 phút không chiến, Biên đội MiG 17 đã bắn rơi 3 chiếc F4 của Hải quân Mỹ, Biên đội 4 MiG17 bay về hạ cánh an toàn.
Phương án phục kích, nghi binh của Trung đoàn 923 đã được chuẩn bị rất bài bản, kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ chỉ huy, phi công, xử lý tình huống của dẫn đường, của phi công. Ta bí mật hạ cánh, che giấu lực lượng ở các sân bay địch không ngờ.
Trong buổi gặp gỡ, giao lưu các cựu phi công hai nước tại thành phố Hồ Chí Minh, phi công huyền thoại, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy điềm tĩnh đứng lên, 2 tay cầm 2 mô hình máy bay MiG17 và F4 đang ở thế bay đối đầu. Ông nói: “Khi máy bay MiG17 tiếp cận mục tiêu ở thế không có lợi, chúng tôi đề nghị dẫn đường dẫn đối đầu với máy bay địch. Xin hỏi các phi công Mỹ: trong trường hợp đối đầu thế này các ông có chịu được không?”. Các cựu phi công Mỹ lắc đầu và nói không dám. Chỉ có phi công KQNDVN sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự bình yên của đất nước.
Ông R.Cunningham phát biểu cảm tưởng về phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy: tôi đã học được từ ông Bảy và các phi công Việt Nam bài học “Bám thắt lưng địch đánh” mà Bác Hồ đã dạy các ông. Ông R.Cunningham nói thêm: khi còn theo Chương trình TOP GUN (năm 1968), ông ta ước mơ và đề nghị Hệ thống Đài chỉ huy mặt đất (GCI) của Không quân Hải quân Mỹ dẫn ông gặp ông Bảy khi ông Bảy xuất kích. Cũng may là ông chưa gặp ông Bảy nên vẫn còn sống đến hôm nay.
Đúng, rất may cho ông R.Cunningham và nhiều phi công Mỹ khác. Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay. Từ cuối năm 1967 phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy không còn được xuất kích chiến đấu.
Các cựu phi công Mỹ rất may khi không phải gặp ông Bảy trong các cuộc không chiến, nhưng giờ đây họ rất may và rất vui khi được gặp ông Bảy tại Việt Nam, tại nước Mỹ và ngay tại ngôi nhà quê hương của ông, được thưởng thức các món ăn dân dã mà phần lớn đồ ăn do chính đôi bàn tay của ông làm ra.