Ngoài phương pháp dạy học truyền thống thuyết trình, diễn giải thì giảng viên còn dạy học theo cách nêu vấn đề, tức là gắn kiến thức cần dạy, phần trọng tâm vào môn học chuyên nghành của học viên. Khi được học bộ môn xe-máy quân sự, học viên sẽ được tiếp cận thực tế về động cơ, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của từng loại xe-máy, tăng khả năng quan sát, nhìn nhận, đánh giá cho học viên. Mặt khác, học viên phải tìm hiểu trước các thông tin nằm ngoài sách vở để tự mình gợi mở kiến thức và chủ động đặt câu hỏi cho giáo viên, giải đáp thắc mắc.
Bên cạnh đó, phương pháp dạy học theo dự án, báo cáo dưới dạng Seminar cũng được áp dụng có hiệu quả. Giáo viên sẽ chia lớp thành từng nhóm học tập và để học viên chuẩn bị trước các bài thuyết trình ở nhà, sau đó các nhóm sẽ tự trình bày nội dung mà mình đã nghiên cứu, nêu rõ quan điểm hoặc phản biện lại ý kiến của nhóm khác, giáo viên sẽ giữ vai trò trung tâm để phân định đúng sai, tổng hợp và kết luận lại một lần nữa. Với cách học này đã tạo được không khí học tập sôi nổi, vui tươi, rèn luyện tính lập trường, bảo vệ quan điểm cá nhân của từng học viên.
Thiếu tá Trần Ngọc Dũng - Trưởng bộ môn Lý-Hóa, Khoa Khoa học cơ bản cho biết: “Với phương châm lấy người học làm trung tâm, phát hiện năng lực, giải quyết vấn đề cho học viên đã nâng cao tính hiệu quả tương tác giữa giảng viên - học viên, các em không bị động chỉ ngồi chép bài mà luôn tạo cho mình tính tự học trên tinh thần tự nguyện, thoải mái, không áp đặt, gò bó, máy móc”.
Khi áp dụng 3 phương pháp dạy học trên, ngoài việc chuẩn bị kĩ lưỡng tài liệu, giáo án thì giảng viên còn phải tập giảng rất nhiều lần, bởi với cách học “mở” này thì giáo viên phải lường trước được rất nhiều tình huống xảy ra, sẽ có sự khác nhau giữa suy nghĩ, quan điểm và cách lập huận của từng học viên, khi đó giảng viên sẽ phải là người đóng vai trò cố vấn để giải quyết mọi khúc mắc.
Trần Văn Hòa - Học viên lớp chuyên ngành ô tô chia sẻ: “Thông qua phương pháp học dưới dạng Seminar, học viên phải tự tìm hiểu và thuyết trình trước lớp đã giúp tôi nắm vững kiến thức, mở rộng liên hệ thêm những nội dung ngoài sách vở, hơn nữa còn tạo cho tôi sự tự tin khi nói trước đám đông”.
Với việc đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường luôn kiểm tra, đánh giá kế hoạch giảng dạy cả năm của giáo viên, lấy kết quả đó để xếp loại thi đua. Cùng với đó, các học viên cũng đã xây dựng nhiều mô hình tự học có hiệu quả như “Giờ học thanh niên”; “Đôi bạn cùng tiến”,…Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp của nhà trường đạt hơn 97% (riêng học viên sĩ quan kĩ thuật 100%); Các đội tuyển dự thi Olympic toàn quốc, toàn quân đạt nhiều giải cao,…Hơn hết, các học viên tốt nghiệp ra trường đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá, giỏi, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi chức trách, nhiệm vụ được giao tại đơn vị.