Trong chiến dịch biên giới đánh Đông Khê 1950, Trung đoàn vinh dự được Bác Hồ trực tiếp ra tận trận địa động viên bộ đội, tạo sức mạnh và niềm tin cho bộ đội liên tiếp đánh thắng từ trận này đến trận khác. Các trận đánh trên đường 4, đã xuất hiện tên tuổi “Hổ Xám đường 4”, khiến các lực lượng địch phải khiếp sợ khi nghe tên ông, đó là Chính ủy Trung đoàn đầu tiên Chu Huy Mân. Sau này là Đại tướng Chu Huy Mân.
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trung đoàn là mũi chủ công đánh chiếm đồi A1. Tại đây đã xuất hiện Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, La Văn Cầu lấy thân mình lấp lỗ châu mai và bao cán bộ chiến sĩ đã nhuộm đỏ máu đào trong chiến hào Điện Biên, góp phần “9 năm làm một Điện Biên; Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, từ tháng 1 năm 1958 Trung đoàn chuyển sang làm kinh tế. Từ tháng 1 đến tháng 10/1965 Trung đoàn nhận nhiệm vụ quốc tế ở Lào.
Tháng 3 năm 1967, Trung đoàn vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Tháng 8 năm 1967, Trung đoàn tham gia chiến dịch Đắc Tô, trận đánh phục kích, vận động tấn công tại cao điểm 875, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, làm chấn động toàn bộ lực lượng Mỹ vùng Tây Nguyên. Trong đợt tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn đánh chiếm làm chủ thị trấn Tân Cảnh ngay trong đêm mồng 1 tết Mậu Thân.
Sau đó Trung đoàn cơ động vào chiến trường B2 miền Đông Nam bộ, tham gia các chiến dịch lớn tại Tây Ninh, Bình Long, Dầu Tiếng, Tầm Bung, Bà Rịa, Long Khánh…
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, Trung đoàn là đơn vị chủ công đánh địch ở cứ điểm Lộc Ninh, góp phần giải phóng huyện Lộc Ninh, sau đó đánh chiếm Lộ 4, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chia cắt chiến lược trong Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, đồng thời tiến công đánh chiếm giải phóng yếu khu Long Khốt, một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang từ miền Đông Nam bộ, qua đất bạn Campuchia, xuống đồng bằng Sông Cửu Long…
Để đập tan yếu khu Long Khốt, Trung đoàn 174 đã mất 3 năm tổ chức nhiều đợt tấn công quyết liệt. Trận quyết định số phận yếu khu Long Khốt diễn ra cuối tháng 4 năm 1974, Long Khốt hoàn toàn được giải phóng, đổi lại hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm người dân Đồng Tháp Mười đã ngã xuống nơi đây!.
Có thể nói Trung đoàn 174 đã viết nên bản hùng ca chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ với trên 200 trận đánh, tiêu diệt, bắt sống 13.243 tên địch, thu 2.563 súng, pháo các loại, bắn rơi 54 máy bay, phá hủy 21 xe tăng, xe bọc thép… Trung đoàn 174 đã 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng LLVTND và 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tiêu biểu như: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đèo Văn Khổ…
Ban liên lạc đoàn 174 phía Nam đã vận động các nhà tài trợ xây dựng Đền thờ Long Khốt, khắc bia tưởng niệm danh sách hơn 1000 liệt sĩ của Trung đoàn 174 và các đơn vị tham gia chiến đấu hy sinh tại chiến trường này.
Ngày 19/5/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Đền thờ Long Khốt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lịch sử mãi mãi khắc tên các anh những người chiến sĩ của Trung đoàn 174. Chứng tích Long Khốt, hồn thiêng sông núi, mãi là linh khí quốc gia, linh hồn các anh vẫn luôn phù hộ cho đồng đội, cho quê hương Vĩnh Hưng, Long An, cho Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp và hưng thịnh.