Những ngày cuối năm 2019, các địa phương đang gấp rút triển khai công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2020. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng mỗi địa phương.
Thực hiện tốt công tác này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, SSCĐ của bộ đội thường trực mà còn là cơ sở để xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên và nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao cho địa phương, cơ sở.
Với ý nghĩa đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm chú trọng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ có nhiều đổi mới và đạt được kết quả thiết thực. Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã chú trọng tuyển chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, độ tin cậy chính trị cao để tham gia quân đội. Vì thế, ngày càng nhiều thanh niên trúng tuyển NVQS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc có tay nghề kỹ thuật, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho quân đội. Nhiều quân nhân trưởng thành từ môi trường quân đội khi xuất ngũ về địa phương được kết nạp Đảng, trở thành cán bộ nguồn cho cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, các địa phương đã làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách hậu phương quân đội, tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành NVQS trở về địa phương. Qua đó, đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; là động lực trực tiếp cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường nhập ngũ.
Các thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh minh họa:qdnd.vn
Tuy nhiên, công tác tuyển quân vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: Chất lượng công tác tuyên truyền; thực hiện quy trình trong tuyển quân; công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân... Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa địa phương với các đơn vị nhận quân chưa chặt chẽ, nhất là việc nắm về đặc điểm, nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu tuyển quân của đơn vị. Đối với đơn vị nhận quân, có nơi nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung công tác tuyển quân theo quy trình “tròn khâu”; còn có tư tưởng "khoán trắng” cho địa phương, còn địa phương “khoán” cho cơ quan quân sự. Điều đó không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng công tác tuyển quân mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý, huấn luyện, bố trí và sử dụng lực lượng của đơn vị.
Tuyển quân là việc hệ trọng không chỉ đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, mà còn góp phần củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng ở mỗi địa phương. Để nâng cao công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hội đồng NVQS các địa phương và nhân dân, nhất là đối với công dân trong độ tuổi thực hiện Luật NVQS về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyển quân. Bởi lẽ, công tác tuyển quân ở các địa phương chỉ đạt được chất lượng khi đã tạo được sự đồng thuận của tất cả tổ chức, lực lượng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Do đó, cơ quan quân sự các cấp phải tích cực, chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của hội đồng NVQS các cấp. Quá trình thực hiện các bước “tròn khâu”, hội đồng NVQS các địa phương cần phải phát huy dân chủ ở cơ sở trong bình cử theo phương châm "dân chủ, công khai, công bằng" đối với công tác tuyển quân. Có như vậy công tác tuyển quân mới đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Lê Duy Hồng
Nguồn: qdnd.vn